Quyển 2 – Chương 64: Quân Hy Lạp tập trung ở cảng Aulis. Đổ bộ lên đất Mysie

Quân Hy Lạp tập trung ở cảng Aulis. Đổ bộ lên đất Mysie

Lần lượt các anh hùng, dũng sĩ cầm đầu những đạo quân của mình cùng với chiến thuyền, kẻ nhiều người ít đến hội tụ, tập trung ở cảng Aulis chờ ngày xuất phát. Chúng ta không thể kể hết ra đây được các danh tướng với những đạo quân của họ. Cái cảnh binh sĩ ngàn ngạt như rừng, thuyền bè san sát tựa lá tre rụng trên mặt nước, người xưa nói, dù ai có mười lưỡi, mười mồm và một bộ phổi bằng đồng cũng không thể kể hết được. Những người Hy Lạp đề cử Agamemnon, vị vua của đô thành Mycènes vàng bạc đầy kho và vùng đồng bằng Argolide màu mỡ, làm Tổng Chỉ huy, nắm quyền quyết định tối cao đạo quân liên minh này. Quanh Agamemnon, trong Hội đồng Tướng lĩnh còn có hai chàng Ajax: một là con của Télamon còn có tên gọi là Ajax Lớn, quê ở đảo Salamine; một là con của Oïlée còn có tên gọi là Ajax Bé, quê ở Locride; ta còn phải kể đến dũng tướng Diomède, sức mạnh sánh tựa thần linh; Antiloque, con trai của lão vương Nestor…

Tuy nhiên cuộc hội quân đạt được kết quả như thế, như lúc này đây không có nghĩa là việc đi chiêu tập các vị anh hùng, mời họ tham dự cuộc viễn chinh trừng phạt người Troie không gặp khó khăn gì, nhất hô là vạn ứng ngay tức khắc. Bởi vì trong số những vị anh hùng đã từng thuở nào đắm say sắc đẹp của Hélène nhiều người đã có vợ có con. Cái thời buổi họ ra ngẩn vào ngơ vì sắc đẹp của một người thiếu nữ sinh ra từ một quả trứng thần đã lui vào dĩ vãng. Nhưng vì có lời thề nguyền năm trước nên họ phải ra đi. Có điều chính cái người hiến kế ràng buộc các vị cầu hôn bằng lời thề ước thiêng liêng ấy, chàng Ulysse lại muốn xóa bỏ lời thề. Sau khi Hélène cưới Ménélas, Ulysse trở về Ithaque lấy một người vợ là cháu họ của Hélène, tên gọi là Pénélope, vào lúc mà khắp đất nước Hy Lạp sôi lên vì những sứ giả đi truyền báo lời kêu gọi mở cuộc viễn chinh sang thành Troie thì Ulysse vừa sinh được một cậu con trai, đặt tên là Télémaque. Ulysse chẳng muốn bỏ vợ dại con thơ ở nhà để dấn thân vào một cuộc viễn chinh đòi lại vợ cho một người khác. Biết trước thế nào cũng có người đến triệu tập mình, Ulysse giả vờ điên. Khi điểm mặt các tướng lĩnh hội tụ ở cảng Aulis, vị Tổng Chỉ huy thấy thiếu mặt Ulysse. Ông bèn phái lão vương Nestor và chàng Palamède tới ngay hòn đảo Ithaque để đòi Ulysse phải lên đường đi làm nghĩa vụ. Người nhà bảo Ulysse bấy lâu nay mắc chứng điên dại, ngớ ngẩn, cả ngày cứ ra cày cày bừa bừa ở ngoài đồng. Palamède vội ra ngoài đồng để xem cho rõ hư thực. Và đúng thế, Palamède thấy Ulysse đang cày ruộng, cày ruộng một cách kỳ quái: Ulysse thắng một con bò và một con ngựa vào chung một cái ách, cột hai con lại bên nhau và cứ thế cày. Cày rất vất vả hết được một đường một luống thì dừng lại gieo hạt. Đúng là điên. Palamède đến tận nơi xem anh chàng điên này gieo hạt gì… gieo hạt muối. Kỳ quái thật. Quả thật là điên. Song Palamède vẫn bán tin bán nghi. Chàng chạy vào nhà bế ngay chú bé Télémaque, con của Ulysse ra, vừa bế đứa bé vừa xem Ulysse cày. Nhằm lúc Ulysse bắt đầu cày một luống mới, Palamède đặt ngay đứa bé trước đường cày. Ulysse cứ cày như tỏ ra không biết gì. Nhưng khi hai con vật đến gần thằng bé thì chàng Ulysse giả vờ điên phải tỉnh lại. Ulysse dừng lại nói với Palamède: “Nhà ngươi thắng ta rồi… Ngươi đã buộc ta phải giữ lời thề hứa nhưng người nên nhớ rằng sẽ có ngày nhà ngươi phải hối hận vì việc phát giác này”. Không còn tìm được có gì để thoái thác, Ulysse phải đem đoàn chiến thuyền của mình đến hội quân ở cảng Aulis.

Vẫn chưa đủ. Điểm danh thấy vẫn còn thiếu một danh tướng nữa. Đó là chàng Achille, con của người anh hùng Pélée và nữ thần Biển-Thétis. Nhà tiên tri đầu bạc, lão ông Calchas phán truyền cho Agamemnon biết rằng: Cuộc viễn chinh sang thành Troie chỉ có thể giành được thắng lợi khi có người anh hùng xuất chúng Achille tham dự. Nhưng Achille lúc này ở đâu? Không ai biết cả? Lại phải cầu xin một lời chỉ dẫn của nhà tiên tri. Lão ông Calchas cho biết, hiện Achille đang ở đảo Skyros. Không chậm trễ, Agamemnon phái ngay Ulysse lên đường đi tìm người anh hùng…

Đúng như lời nhà tiên tri đầu bạc nói, nếu không có Achille tham dự cuộc chiến tranh thì thành Troie khó bề bị hạ. Chàng hơn người ở chỗ mình đồng da sắt, tên bắn chẳng thủng, lao phóng chẳng xuyên, toàn thân chỉ có mỗi một chỗ gót chân là nơi hiểm yếu, và chỉ có ai đánh trúng nơi hiểm yếu đó, gót chân của Achille, thì mới hạ nổi chàng. Mẹ chàng, nữ thần Biển Thétis suốt đời chỉ chăm lo cho con được trở thành bất tử để sánh vai với các thần. Nhưng một vị nữ thần kết duyên với một người trần thế thì không sao sinh ra được những đứa con bất tử. Cái chất “trần tục đoản mệnh” không dễ gì tẩy sạch được. Sáu lần sinh con, Thétis đều đem tôi vào trong lửa. Nhưng sáu đứa con đó chết ngay khi mẹ chúng vừa đưa chúng vào thử thách với báu vật của Prométhée. Đến đứa thứ bảy, Achille, nữ thần không tôi vào lửa nữa, mà đem tôi vào nước sông âm phủ Styx. Lần này thì bà mẹ thành công. Nhưng tiếc thay khi tôi con vào nước sông âm phủ Styx, bà đã quên không tôi chỗ gót chân của thằng bé, là nơi tay bà cầm. Vì thế Achille còn có thể bị chết, nghĩa là không bất tử vì chỗ đó. Ngày nay trong văn học thế giới Gót chân Achille (Le talon d’Achille) chỉ nơi hiểm yếu, nhược điểm của một con người hay của một tổ chức, một lực lượng nào đó. Đánh trúng, nhằm trúng Gót chân Achille có nghĩa là đánh trúng huyệt, nhằm trúng huyệt.

Tôi bằng nước sông âm phủ Attique rồi, nữ thần Thétis vẫn chưa yên tâm. Bà lại đem Achille tôi vào lửa. Nhưng lần này thì Pélée đã để ý theo dõi công việc của vợ mình. Đêm hôm đó thừa lúc mọi người yên giấc bà bèn đem con tôi vào bếp lửa. Vừa lúc Thétis lùa đứa bé vào ngọn lửa hồng thì Pélée nấp ở đâu đó phía sau, rút gươm nhảy bổ tới và giằng lấy đứa con. Achille thoát chết nhưng xương mắt cá chân bị cháy. Pélée bèn giao con cho vị thần Centaure Chiron nhờ chữa chạy nuôi dưỡng giáo dục. Thần Centaure Chiron lấy mắt cá chân của người khổng lồ Damisos xưa kia vốn có biệt tài chạy nhanh, thay cho cái mắt cá chân bị cháy của Achille. Vì thế sau này Achille chạy nhanh không ai sánh kịp. Chiron còn cho Achille ăn óc gấu và tim gan sư tử để cho chàng có sức mạnh và lòng dũng cảm. Thần dạy chàng đủ mọi thứ từ võ nghệ cho đến âm nhạc… Đến khi Achille trưởng thành thì chàng đã là một người dũng sĩ toàn diện.

Nữ thần Thétis, sau chuyện bị Pélée giằng lấy con giận dữ về ở lỳ trong cung điện của vua cha dưới biển. Được tiên báo về số mệnh Achille, nữ thần rất lo lắng: Achille nếu tham dự cuộc Chiến tranh Troie sẽ lập được những chiến công vĩ đại, vinh quang, danh tiếng vang dội trời xanh, nhưng cuộc đời sẽ rất ngắn ngủi. Còn nếu không tham dự cuộc Chiến tranh Troie thì sẽ có một cuộc đời dài lâu nhưng buồn tẻ chẳng có ý nghĩa, vinh quang gì hết. Vì lẽ đó cho nên khi được tin những người Hy Lạp tổ chức cuộc viễn chinh sang thành Troie, nữ thần Thétis bèn đem Achille đi giấu ở đảo Skyros. Tại đây, Achille cải trang thành con gái sống chung với những người con gái của vua Lycomède. Ấy vậy mà “cô con gái” đó lại lấy vợ, lấy nàng Déidamie con gái của nhà vua và sinh được một cậu con trai tên là Néoptolème (thần thoại La Mã: Pyrrhus).

Ulysse đến đảo Skyros cùng với Diomède. Hai người giả làm thương nhân đến bán hàng. Được phép vào cung điện, hai người bày ra không biết bao nhiêu là các thứ hàng. Nào vải vóc, lụa là, nào các đồ trang sức quý giá, lược, gương, trâm, vòng vàng, nhẫn ngọc… Các cô con gái của vua Lycomède thấy có hàng đẹp liền xúm đến xem, chọn mua thứ này thứ khác. Nhưng trong đám con gái đó, có một cô không chọn những thứ hàng mà những người con gái vốn ưa thích. Cô ta thích thú trước một bộ áo giáp, cái khiên và ngọn lao, và cô ta hỏi mua thứ đó. Thế là người bán hàng Ulysse chẳng cần phải xét hỏi lôi thôi, trân trọng mời ngay “cô con gái” thích mua đồ binh khí ấy về Hy Lạp ngay để chuẩn bị lên đường.

Achille trở về xứ Thessalie đưa đạo quân Myrmidon của mình đến hội tụ ở cảng Aulis. Tới đây ta phải dừng lại một chút để kể qua lai lịch của đạo quân này. Xưa kia khi nhà vua Éaque trị vì trên đảo Égine, có một năm gặp phải một tai họa rất lớn, rất khủng khiếp. Nguyên do là nữ thần Héra ghen tức với Zeus, với cuộc tình duyên vụng trộm của Zeus với Égine, ghen tức với đứa con riêng của Zeus là Éaque. Nữ thần giáng xuống một bệnh dịch ác nghiệt. Bệnh dịch lan lây rất nhanh và giết hại không biết bao nhiêu con người. Chỉ trong một thời gian ngắn mà dân cư trên đảo chết vãn hẳn đi, chẳng còn được mấy hột người. Đau xót vì cảnh hoang dại, Éaque bèn cầu khấn người cha thiêng liêng của mình, xin Người phù hộ cho cảnh đông vui sầm uất trở lại với hòn đảo. Sau khi ở đền thờ ra về, đêm hôm đó Éaque nằm mơ thấy những đàn kiến biến thành người. Sáng sớm hôm sau, một kỳ tích đã xảy ra ứng với giấc mơ của Éaque đêm hôm trước. Con trai của Éaque là Télamon đánh thức cha dậy, chỉ cho cha xem một đạo quân đông đảo, trang phục đẹp đẽ đang tiến vào cung điện. Thần Zeus đã biến tất cả những con kiến ở trên đảo thành người: một đạo quân, đàn ông, đàn bà, trẻ con đông đúc như xưa và có thể còn hơn xưa. Vì lẽ đó, tên những người “Myrmidon” xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ “Murmekès”, có nghĩa là kiến. Pélée, con trai của Éaque, khi sang sinh cơ lập nghiệp ở xứ Thessalie đã đưa những đạo quân Myrmidon cùng đi với mình, và bây giờ đến người con của Pélée, chàng Achille danh tiếng lẫy lừng cầm đầu những chiến sĩ Myrmidon đi tham dự cuộc viễn chinh sang thành Troie.

Các đoàn quân Hy Lạp đã tập trung đầy đủ ở cảng Aulis. Người xưa kể là chưa từng bao giờ lại thấy có cảnh tượng hùng vĩ đến như thế. Quân đi dậy đất, trùng trùng điệp điệp như cây rừng. Có nguồn chuyện nói quân Hy Lạp có đến 100.000 người và 1.186 chiến thuyền. Chúng ta ngày nay nghe vậy cũng biết vậy chứ chẳng có gì làm bằng chứng để biết chính xác, hư thực thế nào.

Công việc cuối cùng là làm lễ hiến tế các thần linh rồi xuất phát. Các vị tướng Hy Lạp lần lượt đến quỳ trước bàn thờ, dâng lễ vật, cầu xin thần thánh ban cho cuộc hành trình của đoàn quân được thuận buồm xuôi gió. Đang khi làm lễ thì bỗng đâu xuất hiện một con rắn mình đỏ như máu từ dưới gầm bàn thờ trườn bò ra ngoài. Mọi người cả kinh theo dõi con vật đoán chừng đây là điềm báo của thánh thần. Con rắn đỏ bò ra rồi leo lên một ngọn cây ngô đồng cao to mọc ở gần đó. Nó leo thẳng lên ngọn cây và sà vào một tổ chim nuốt chết một con chim mẹ và tám con chim con. Sau đó con rắn biến thành một hòn đá rơi xuống đất. Mọi người xôn xao cả lên, kẻ bảo điềm gở, người bảo điềm lành. Cuối cùng chỉ có nhà tiên tri Calchas bình giải thì mọi người mới hiểu được ý nghĩa: người Hy Lạp phải chiến đấu suốt chín năm trường, đến năm thứ mười thì hạ được thành Troie. Các tướng lĩnh Hy Lạp vô cùng hoan hỉ khi được Số mệnh và thần linh tiên báo trước điềm lành. Họ lễ tạ thần linh rồi ra lệnh xuất phát. Các con thuyền rẽ sóng nhằm hướng Đông đi tới. Không rõ đoàn thuyền vượt biển mất bao ngày nhưng người xưa nói là chặng đường đầu tiên họ đi khá nhanh, vào một đêm tối trời, đoàn quân Hy Lạp đổ bộ lên đất Mysie nhưng lại tưởng rằng mình đã đến vùng đồng bằng Troade. Họ bắt đầu cuộc tiến công đánh chiếm cướp phá vương quốc của Télèphe. Vị vua này vốn là con trai người anh hùng Héraclès và người thiếu nữ Augé. Xưa kia cha nàng là nhà vua Aléos trị vì ở đất Tégée thuộc xứ Arcadie trên bán đảo Péloponnèse. Ông lấy nàng Néère và sinh được ba trai một gái. Trong một buổi đến cầu khấn ở đền thờ Delphes, ông được thần Apollon ban truyền cho biết: người con gái của ông, nàng Augé, sau này sẽ sinh ra một đứa con trai, và đứa con đó sẽ giết chết ba người bác ruột của nó. Quá ư sợ hãi về lời sấm truyền, Aléos đem dâng người con gái cho việc thờ phụng nữ thần Athéna. Như vậy nàng suốt đời sẽ trinh trắng, chẳng hề biết đến chồng con, tai họa hẳn không thể nào xảy ra được. Nhưng người anh hùng Héraclès trong cuộc hành trình của mình đã dừng chân nghỉ lại ở vương quốc của Aléos. Chàng say đắm trước vẻ đẹp trong trắng của người thiếu nữ trông coi việc thờ phụng ở ngôi đền nữ thần Athéna, và trong một phút không làm chủ được mình, chàng đã cưỡng bức Augé. Hành động đó làm ô uế nơi thánh đường trang nghiêm của Athéna khiến nữ thần nổi giận, giáng xuống một bệnh dịch khủng khiếp. Aléos lại phải sắm sanh lễ vật cầu khấn thần linh. Sau khi nhận được lời phán truyền của thần thánh, ông giao Augé con gái mình cho vua đảo Eubée tên là Nauplios, vốn là một thủy thủ lành nghề, để nhà vua này dìm Augé xuống sông, xuống biển cho chết đi. Nhưng Nauplios động lòng trắc ẩn chẳng nỡ làm một việc thất đức bất nhân. Vừa khi đó thì Augé lại sinh một đứa con trai và nàng đặt tên con là Télèphe. Nauplios đem hai mẹ con bỏ vào rừng. Sau bao nhiêu năm trôi nổi, Augé được vua Teuthras cưới làm vợ. Còn Télèphe, những người chăn cừu đón được đem về dâng cho vua Corythos. Có chuyện kể, chú bé Télèphe khi bị bỏ vào rừng đã được con hươu của nữ thần Artémis nuôi. Lớn lên, Télèphe tuân theo lời sấm ngôn xin được ở đền thờ Delphes, sang đất Mysie tìm mẹ. Trên đường đi chàng đã vô tình giết chết hai người bác ruột của mình trong một cuộc xô xát. Kế đến khi vua Teuthras băng hà, Télèphe lên nối ngôi trị vì ở xứ Mysie. Có chuyện kể, hai mẹ con Augé và Télèphe bị truy đuổi, cùng đường phải nhảy xuống biển và bơi được tới đất Mysie. Lai lịch vua Télèphe là như thế.

Lại nói tiếp về việc những người Hy Lạp đổ bộ lên đất Mysie. Xung đột nổ ra dữ dội. Thấy đất nước bị một bọn người từ đâu đến vây đánh, cướp phá, Télèphe liền dốc thúc quân sĩ ra đánh trả. Có thể nói đây là một cuộc hỗn chiến vì hai bên đánh nhau trong đêm đen. Quân Hy Lạp bị tổn thất một số danh tướng. Patrocle, một người bạn chiến đấu thân thiết của Achille bị thương. Achille xông lên trả thù cho bạn. Chàng phóng lao trúng bụng Télèphe khiến nhà vua bị thương. Lừa lúc tối trời, Télèphe ra lệnh thu quân về cố thủ trong thành. Trời sáng, quân Hy Lạp biết rằng mình đã nhầm. Họ đánh nhau với người Mysie chứ không phải với người Troie, và như vậy họ đã đánh nhầm với những người bạn chứ không phải kẻ thù. Thật đau xót. Họ cử sứ giả đến gặp Télèphe xin lỗi về hành động nhầm lẫn vừa xảy ra và trân trọng mời Télèphe tham dự cuộc tiến đánh thành Troie. Télèphe chấp nhận sự hòa giải nhưng khước từ việc tham dự cuộc chiến tranh thành Troie vì lẽ nhà vua hiện đang bị thương. Vả lại nhà vua mới cưới vợ mà vợ của nhà vua lại là em ruột của vua Priam. Không lẽ em rể lại đem quân đánh anh vợ khi chẳng có một nguyên do gì. Những người Hy Lạp sau khi làm lễ an táng cho những tử sĩ bèn tiếp tục cuộc hành quân sang thành Troie. Nhưng thuyền của họ vừa ra khơi thì gặp bão lớn. Sóng gió của Đại dương đã nhấn chìm không biết bao nhiêu con thuyền xuống đáy biển. Bão tan họ chẳng còn biết phương hướng thế nào. Họ đi quanh quẩn mãi trên biển khơi và cuối cùng lại trôi dạt về Aulis, một đô thành hải cảng ở miền trung Hy Lạp mà họ vừa mới từ đó ra đi.

Thần Thoại Hy Lạp

Thần Thoại Hy Lạp

Status: Completed Author:

Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại liên quan đến các vị thần, các anh hùng, bản chất của thế giới, và nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo họ. Chúng là một phần của tôn giáo Hy Lạp cổ đại và nay là một phần của một tôn giáo hiện đại lưu hành ở Hy Lạp và trên thế giới gọi là Hellenismos. Các học giả hiện đại tham khảo và nghiên cứu các truyện thần thoại này để rọi sáng vào các thể chế tôn giáo, chính trị Hy Lạp cổ đại, nền văn minh của nó cũng như để tìm hiểu về bản thân sự hình thành huyền thoại.

Thần thoại Hy Lạp được thể hiện rõ ràng trong tập hợp đồ sộ những truyện kể, và trong các tác phẩm nghệ thuật tượng trưng Hy Lạp, chẳng hạn các tranh vẽ trên bình gốm và các đồ tế lễ. Thần thoại Hy Lạp cố gắng giải thích nguồn gốc của thế giới, và kể tỉ mỉ về cuộc đời và các cuộc phiêu lưu của một tập hợp đa dạng những vị thần, nữ thần, anh hùng và những sinh vật thần thoại. Những truyện kể này đầu tiên được truyền miệng bằng thơ ca; ngày nay các thần thoại Hy Lạp chủ yếu được biết thông qua văn học Hy Lạp.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset