Sau khi hai vị tướng kiệt xuất của quân Hy Lạp là Achille và Ajax chết, quân Hy Lạp vẫn không vì thế mà từ bỏ ý định đánh chiếm thành Troie. Ngược lại, họ càng hăng hái hơn, quyết tâm hơn, vì như lời phán truyền của Số mệnh, thành Troie sẽ bị hạ vào năm thứ mười của cuộc giao tranh, và bây giờ chính là thời điểm ấy. Họ, quân Hy Lạp, đang ở vào thời điểm ấy. Từ đây trong hàng ngũ của quân Hy Lạp nổi bật lên một tài năng mới vô cùng kiệt xuất, nếu kể về lòng dũng cảm và tài võ nghệ xem ra chẳng thua kém Achille, Ajax là bao, nhưng về tài tháo vát, trí thông minh, đầu óc đặt mưu sâu, bày kế hiểm thì chưa từng một ai sánh nổi. Đó là Ulysse hay còn gọi là Odyssée, tên tuy hai nhưng người chỉ một, con của lão vương Laerte, quê hương ở hòn đảo Ithaque nhỏ bé nghèo nàn, quanh năm bốn bề sóng vỗ. Chiến công của Ulysse thì nhiều nhưng chúng ta làm sao có thể kể hết được. Chỉ xin kể một chiến công có ý nghĩa quyết định đối với số phận thành Troie.
Trước hết ta phải kể chiến công bắt sống Hélénos, con của lão vương Priam, vốn là một nhà tiên đoán tài giỏi, anh em sinh đôi với Cassandre cũng nổi danh vì tài tiên đoán. Được biết Hélénos giữ kín một lời sấm ngôn của thần thánh về số phận thành Troie, một lời sấm ngôn rất cơ mật và tối ư hệ trọng, Ulysse ngày đêm vắt óc tính kế đoạt bằng được điều bí mật đó. Kế gì? Đem đại binh vây đánh để bắt sống Hélénos ư? Chắc gì đã được? Hơn nữa, trong cuộc hỗn chiến bạo tàn, tên bay đạn lạc, có thể Hélénos bị chết. Như thế thì mưu lớn không thành mà đại sự cũng hỏng. Vả lại quân Troie chẳng dại gì mà để Hélénos xông pha ra nơi trận tiền mà không ai bảo vệ. Tính toán hết mọi đường mọi nẻo, Ulysse thấy chỉ có cách cải trang lọt vào thành Troie bắt sống Hélénos đem ra là hay hơn cả, và chàng đã đích thân thực thi kế hiểm của mình. Sau nhiều ngày đêm lăn lội điều tra, dò xét để biết được nơi ăn chốn ở của Hélénos cùng sự canh phòng của quân Troie, bữa kia nhằm vào một đêm tối trời không trăng không sao, Ulysse đột nhập vào thành Troie bắt sống Hélénos, bắt một cách rất êm thấm, đưa về doanh trại quân Hy Lạp. Thế là quân Hy Lạp đoạt được lời sấm ngôn cơ mật, bí truyền. Theo lời khai của Hélénos, thành Troie chỉ có thể bị hạ nếu quân Hy Lạp thực hiện được những việc sau đây: Một là, đưa dũng tướng Philoctète cùng cây cung của người anh hùng Héraclès mà Philoctète được thừa hưởng tới thành Troie tham chiến. Hai là, đưa người con trai của Achille là chàng Néoptolème từ đảo Skyros tới tham chiến. Ba là, di chuyển hài cốt của người anh hùng Pélops tới đất Troie.
Trong ba việc này thì việc thứ nhất là khó khăn hơn cả. Ulysse dù sao cũng quyết thực hiện bằng được. Trước hết, chàng từ thành Troie trở về đảo Skyros xin với vua Lycomède cho Néoptolème, người cháu ngoại của nhà vua, con của Achille và công chúa Déidamie, xuất trận. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, Néoptolème tính nết cũng như cha, vừa được ông ngoại cho biết là nóng sôi lên sùng sục chỉ muôn bay ngay sang thành Troie. Mặc dù mẹ chàng khóc lóc, khuyên can chàng đừng dấn thân vào cuộc đời chinh chiến, nhưng chàng vẫn cứ lên đường. Chàng đang khát khao những chiến công vĩ đại để tỏ ra xứng đáng với dòng dõi Achille.
Trên đường từ đảo Skyros sang thành Troie, Ulysse cho thuyền ghé lại đảo Lemnos. Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ trong hành trình vượt biển sang thành Troie xưa kia, chín năm trước kia, quân Hy Lạp đã bỏ lại, bỏ lại một cách vô cùng tàn nhẫn tướng Philoctète trên đảo Lemnos. Hồi đó, Philoctète bị rắn cắn, vết thương sưng tấy, mưng mủ hôi thối khiến Philoctète luôn miệng rên la, than vãn. Điều đó ảnh hưởng tới cuộc hành binh, nhất là làm ô uế, phàm tục những lễ hiến tế trọng thể. Giờ đây trở lại Lemnos, nhưng làm sao, làm thế nào mà đưa Philoctète sang tham chiến với quân Hy Lạp ở thành Troie? Ulysse thì không dám xuất đầu lộ diện rồi, chỉ vì trông thấy Ulysse là Philoctète đã bừng bừng nộ khí và chắc chắn rằng sẵn cung tên trong tay, Philoctète không ngần ngại gì mà không nã cho cái kẻ đã đề xuất ra việc làm độc ác, tàn nhẫn đó một phát. Trúng một phát tên tẩm máu độc của con mãng xà Hydre thì không danh y nào, thần y nào cứu chữa được. Ulysse bèn nghĩ ra một kế khá thâm độc. Chàng và một số thuộc hạ đứng chờ Néoptolème ở ngoài thuyền, Néoptolème sẽ lên đảo tìm bằng được chỗ ở của Philoctète, lân la trò chuyện, kể một câu chuyện bịa đặt để gây cảm tình với Philoctète đặng rủ được Philoctète xuống thuyền trở về quê hương Hy Lạp, và khi biết Philoctète đã xuống thuyền rồi thì coi như trót lọt. Nghe Ulysse bày mưu đặt kế, Néoptolème đã thấy ngài ngại. Với tuổi trẻ trong sáng, thẳng thắn của mình, Néoptolème thực tâm không muốn làm một việc dối trá lừa gạt, nhưng trước quyền uy và sự thúc ép, thuyết phục của Ulysse, cuối cùng Néoptolème nhận thi hành kế sách. Néoptolème tìm được chỗ ở của Philoctète. Đó là một cái hang khá sâu có hai cửa, ở bên một dòng suối không bao giờ cạn. Đang khi chờ đợi thì Philoctète từ đâu khập khiễng lê bước về. Vết thương ở chân ông vẫn chưa khỏi, đi lại vẫn rất khó khăn và đau đớn. Sau vài lời thăm hỏi, xưng danh, Néoptolème thuật lại cho Philoctète nghe, nguyên do vì sao chàng đến nơi này. Và đây là câu chuyện do Ulysse bịa đặt ra và giao cho Néoptolème kể:
– Một hôm, Ulysse và lão ông Phénix, người bố nuôi của cha tôi từ thành Troie về tìm tôi. Hai người cho tôi biết, Achille đã tử trận và các đấng thần linh dành cho tôi cái vinh dự kết thúc số phận thành Troie. Nghe những lời nói đẹp đẽ của họ, tôi xuống thuyền cùng với họ vượt biển sang Troie vì trước hết tôi muốn nhìn mặt cha tôi lần cuối trước khi quân Hy Lạp làm lễ mai táng cho người. Khi tôi đến, quân Hy Lạp đứng đón tôi đông nghịt. Gặp tôi, người nào cũng nói cứ như là được nhìn thấy Achille sống lại. Tôi đến bên thi hài cha tôi để vĩnh biệt người. Sau đó, tôi đến gặp hai anh em Atrides và hỏi xin lại những đồ binh khí của cha tôi cũng như tất cả những gì là tài sản của người, nhưng họ trả lời tôi với một giọng lưỡi trắng trợn không thể nào lọt tai được: “Này, hỡi người con của Achille thần thánh! Của cải, tài sản của cha anh thì trước sau vẫn là của anh, sẽ trả lại cho anh thôi! Nhưng còn bộ áo giáp và chiếc khiên cùng với ngọn lao, thanh kiếm thì đã trao cho một vị tướng khác rồi, vị đó và Ulysse. Hiện nay Ulysse đang sử dụng những thứ đó!” Nghe họ nói thế, tôi không thể nín nhịn được sự căm giận. Tôi mắng họ: “Các ông làm ăn như thế là thế nào? Thật là một lũ khốn nạn! Mặt mũi nào mà các ông đem những thứ đồ binh khí của cha tôi đi trao cho người khác mà không thèm hỏi tôi lấy một lời”. Lúc đó Ulysse cũng có mặt tại đấy. Ông ta trả lời tôi: “Các vị ấy làm như thế là đúng đấy cháu ạ! Cháu thử nghĩ xem nếu không có ta thì những đồ binh khí đó cùng bộ áo giáp và chiếc khiên cũng như thi hài của cha cháu đã rơi vào tay quân Troie rồi”. Thế là tôi chẳng còn nể nang gì nữa, tôi làm ầm lên, chửi thẳng vào mặt bọn họ và bỏ ra về. Tôi quyết định không ở lại chiến đấu với họ nữa. Trở về quê hương Hy Lạp, trở về hòn đảo Skyros thân yêu của tôi là hơn hết.
Sau khi thuật hết câu chuyện, Néoptolème rủ Philoctète trở về quê hương Hy Lạp với mình. Còn gì sung sướng hơn nữa, Philoctète nhận lời ngay. Đối với ông, kéo dài mãi cái cuộc sống khổ nhục ở chốn rừng xanh hoang dại này trong cảnh bị vết thương dày vò đau đớn, lê từng bước đi tìm kiếm thuốc, kiếm miếng ăn bằng săn bắn là việc ngoài ý muốn của ông. Chỉ vì không gặp được người đồng hương, đồng chí, đồng tình nên ông mới phải chịu cảnh sống đọa đầy suốt chín năm trường. Ông khắc cốt ghi xương mối thù với bọn người tàn bạo, hai anh em Atrides và Ulysse.
Hai người vừa đi được vài bước thì Ulysse cho một tên thuộc hạ cải trang làm một thương nhân đến gặp Néoptolème báo tin cho biết: quân Hy Lạp cử lão vương Phénix và những người con trai của Thésée xuống thuyền truy đuổi Néoptolème. Tướng Ulysse và Diomède đang trên đường tới hòn đảo này để tìm Philoctète, mời Philoctète về tham dự cuộc Chiến tranh Troie. Nếu Philoctète chống cự lại thì họ sẽ dùng vũ lực cưỡng bức, bắt bằng được Philoctète về. Hãy mau mau đi thoát khỏi hòn đảo này kẻo sa vào tay bọn họ.
Tình cảnh thật hiểm nghèo như vậy mà Philoctète lại không lê nổi bước chân. Mỗi bước đi của ông thật khó nhọc và đau đớn. Ông trao cây cung cho Néoptolème và cầu xin chàng trẻ tuổi đừng bỏ rơi ông, trong bước đường khó khăn gian khổ. Một cơn đau dữ dội khiến Philoctète tưởng chừng muốn ngất. Ông phải nghỉ ngơi một hồi lâu rồi mới tiếp tục lê bước được.
Thấy tình cảnh cơ cực, thương tâm của Philoctète như vậy, Néoptolème không đành lòng che giấu sự thật, lừa gạt một con người trung thực. Chàng nói rõ cho Philoctète biết đầu đuôi câu chuyện, nói rõ tất cả những trò bày đặt ra từ nãy đến giờ chỉ là nhằm dụ dỗ, lừa được Philoctète xuống thuyền để đưa ông sang thành Troie. Chàng thuyết phục ông sang thành Troie với mình để cùng chiến đấu vì sự nghiệp của quân Hy Lạp. Philoctète kiên quyết khước từ. Ông đòi Néoptolème trả lại cho ông cây cung vì đó là chỗ dựa duy nhất của ông, phương tiện duy nhất của ông để kiếm nguồn thức ăn nuôi sống cuộc đời cô quạnh trong hang sâu rừng thẳm. Đang lúc đó thì Ulysse vì chờ đợi quá lâu, từ ngoài biển chạy vào xem sự thể ra sao. Ulysse bực tức ra lệnh cho Néoptolème phải trao cho mình cây cung và thét vang sai đám thuộc hạ xông vào áp giải Philoctète. Philoctète kiên quyết chống lại. Ông quyết định nếu chúng áp sát ông gieo mình xuống vực sâu kết liễu cuộc đời. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng ấy, Néoptolème không thể nào làm một việc tàn nhẫn là trao cho Ulysse cây cung của Philoctète và cùng xuống thuyền với Ulysse, bỏ mặc Philoctète lại. Chàng thấy căm thù Ulysse. Chàng trao trả cây cung cho Philoctète. Được trả lại vũ khí, Philoctète vô cùng mừng rỡ, ông lắp tên, giương cung toan cho Ulysse, cái con người xảo quyệt lừa lọc ấy, một phát để hắn biết thế nào là nỗi uất hận của ông. May làm sao là may! Néoptolème kịp thời ngăn chặn lại được. Nhờ đó Ulysse chạy thoát.
Néoptolème ra sức thuyết phục Philoctète đi cùng với mình sang thành Troie. Vô ích. Thuyết phục thế nào Philoctète cũng không nghe, không chuyển. Thật là vô cùng rắc rối và bế tắc. Nếu Philoctète không ưng thuận sang thành Troie chiến đấu với quân Hy Lạp thì biết đến bao giờ thành Troie mới bị hạ. Số mệnh và lời phán truyền của thần thánh đã tiền định rõ ràng, nhưng muốn thực hiện được điều tiền định của Số mệnh và lời phán truyền của thần thánh thì phải thực hiện được việc mời Philoctète tới thành Troie để tham gia chiến trận.
Bỗng trên không trung có tiếng nổ ầm vang. Thần Héraclès xuất hiện trong ánh hào quang rực rỡ, uy nghi và thiêng liêng. Từ trên cao người anh hùng con của Zeus được gia nhập vào thế giới thần linh bất tử, người anh hùng, sư phụ của Philoctète phán truyền:
– Hỡi Philoctète, người đồ đệ thân yêu của ta, người đã được ta trao cho cây cung và ống tên kỳ diệu, để kế tục sự nghiệp của ta! Ta đã biết rõ tất cả mọi chuyện, nhưng dù sao nhà ngươi hãy dẹp đi nỗi uất hận với quân Hy Lạp vì tội họ đã đối xử tệ bạc với ngươi. Nhà ngươi hãy nghĩ đến sự nghiệp vẻ vang của thần dân Hy Lạp trong cuộc viễn chinh sang thành Troie và trách nhiệm của nhà ngươi đối với sự nghiệp đó. Lẽ nào nhà ngươi thừa hưởng cây cung và ống tên thần của ta chỉ để săn bắt chim muông sống cho qua ngày đoạn tháng ở cái hòn đảo cô quạnh này ư? Nhà ngươi định chôn vùi sự nghiệp của một danh tướng Hy Lạp ở hòn đảo này ư? Và chiến công cũng như vinh quang của nhà ngươi là đã giết thú, hạ chim ư? Không, không thể như vậy được. Nhà ngươi hãy lên đường sang thành Troie để tham gia chiến trận. Chính nhà ngươi lãnh sứ mạng rất quan trọng là góp phần công sức lớn vào việc hạ thành Troie. Quân Hy Lạp phải chữa cho nhà ngươi lành vết thương để nhà ngươi xuất trận. Quân Hy Lạp phải suy tôn, trọng vọng nhà ngươi như một vị danh tướng không thua kém bất cứ một danh tướng nào. Philoctète hỡi! Ngươi khá yên lòng! Ngươi hãy xứng danh là đồ đệ không thể chê trách được của ta – người anh hùng con của Zeus chí kính toàn năng.
Nghe những lời phán truyền ấy, Philoctète chấp nhận việc tham chiến cùng với quân Hy Lạp. Việc đầu tiên khi con thuyền cập bến là người ta khiêng Philoctète lên lều trại để chữa chạy vết thương ở chân cho ông. Vị danh y thần thánh Asclépios, con của thần Apollon cùng với người con trai của ông là nhà danh y Machaon đích thân chữa cái vết thương đã thành ung nhọt ăn sâu vào xương tủy ấy. Thần Apollon cũng đến giúp sức trong việc chữa chạy này. Thế là cả ba thế hệ từ ông cho đến cháu chữa cho Philoctète. Người ta đặt Philoctète nằm trên một chiếc giường đẹp và cao. Thần Apollon bằng pháp thuật của mình làm cho Philoctète ngủ đi một giấc dài, một giấc ngủ thật say, khi đó Machaon xem xét vết thương, lấy dao cắt những chỗ thịt thối vứt đi rồi đem rượu vang thần thánh rửa vết thương cho thật sạch, sau đó đắp vào vết thương một thứ lá thuốc thần diệu mà chỉ có vị thần y Asclépios và người con trai trứ danh của mình là Machaon biết. Thần Asclépios may mắn được thần Centaure Chiron truyền dạy cho. Thần đã lặn lội vào rừng sâu tìm thứ lá thuốc thần diệu để về chữa chạy cho Philoctète. Mấy ngày sau, vết thương ở chân của Philoctète khỏi, khỏi hẳn, và người chiến sĩ, đồ đệ trung thành của thần Héraclès, với cây cung và ống tên thần của mình bước vào cuộc giao tranh.
Qua việc chữa vết thương cho Philoctète, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng vào thời đó người Hy Lạp cổ đã biết cách “gây mê” để thực hiện một phẫu thuật, và vị “bác sĩ gây mê” chính là thần Apollon đã gây ra giấc ngủ thần thánh. Trong trường hợp này, không phải là nhiệm vụ của thần Giấc ngủ-Hypnos, vì Hypnos chỉ là Giấc ngủ nói chung, còn giấc ngủ của Apollon gây ra là giấc ngủ riêng biệt nằm trong “phạm trù” chữa bệnh! Dự đoán nói trên của những nhà nghiên cứu về trình độ y học của người Hy Lạp cổ có những cơ sở khoa học. Trong anh hùng ca Iliade của Homère, tác giả đã miêu tả, thường là khá cụ thể và rõ ràng, một trăm bốn mươi mốt trường hợp các dũng sĩ bị thương, các vết thương. Để chữa những vết thương đó, Homère cũng đã miêu tả cho chúng ta biết vai trò và hoạt động của những thầy thuốc như: rửa vết thương cho sạch máu mủ, băng bó, dịt vết thương bằng cách rắc vào vết thương một loại bột nghiền ra từ những loại rễ cây. Nghề thầy thuốc trong anh hùng ca Iliade được đánh giá rất cao. Một thầy thuốc giá trị bằng nhiều người – Homère đã viết như thế218. Ngày nay, Machaon trong văn học thế giới chuyển nghĩa như một danh từ chung chỉ người thầy thuốc tài giỏi.
Lại nói về Philoctète. Bước vào cuộc giao tranh, chiến công đầu tiên của người anh hùng này là kết liễu số phận Paris, kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh núi xương sông máu. Bằng một phát tên, Philoctète bắn bị thương người con trai của vua Priam giàu có. Chất độc ở mũi tên làm cho Paris đau đớn, quằn quại kéo dài. Chàng nói với gia nhân khiêng chàng vào ngọn núi Ida với hy vọng rằng có thể được người vợ xinh đẹp là tiên nữ Nymphe Oenone cứu chữa.
Xưa kia khi Paris còn là một người chăn chiên trong núi rừng Ida trước khi chàng được vinh dự đứng ra phân xử vụ tranh giành quả táo vàng Tặng người đẹp nhất, chàng đã có một mối tình rất trong trẻo và thơ mộng với người thiếu nữ con của thần Sông-Cébren. Oenone yêu Paris say đắm, tha thiết. Nàng có tài tiên đoán. Nàng đã tiên báo trước cho Paris biết sẽ xảy ra cuộc Chiến tranh Troie và trong cuộc chiến tranh ấy chàng sẽ gặp phải một số phận bi thảm cũng như thành Troie sẽ không tránh khỏi thảm họa tiêu vong. Nàng hy vọng vì thế Paris sẽ sống gắn bó với nàng, không bỏ nàng, nhưng Paris lại bị bắt để đứng ra phân xử vụ tranh chấp quả táo vàng, và chàng đã xử cho Aphrodite thắng. Aphrodite giữ lời hứa “hậu tạ” lại chàng. Chẳng nhẽ chàng khước từ tặng phẩm của một nữ thần đầy quyền uy và pháp thuật, và như chúng ta đã biết Paris trở về thành Troie như thế nào, vượt biển sang đất Sparte chinh phục được Hélène như thế nào… Oenone ở lại nơi rừng xanh núi biếc với nỗi giận hờn và buồn tủi. Tuy nhiên trước khi chia tay với Paris, Oenone có dặn lại Paris như sau:
– Chàng ơi! Thế là chàng đã không nghe em, không nghĩ đến những tai họa do điều tiên đoán của em mách bảo. Chiến tranh sẽ xảy ra. Thành Troie sẽ bị vây hãm. Con dân thành Troie sẽ bị ném vào những cuộc chém giết núi xương sông máu, và số phận chàng chắc chẳng thể thoát được những tai họa khôn lường trong cuộc đao binh. Thôi thì trước khi ly biệt, em chỉ biết dặn chàng một điều: nếu rủi ro sau này trong chiến trận chàng gặp phải cảnh ngộ không may, bị lao đâm, gươm chém, tên bắn trọng thương thì chàng hãy nhớ đến em. Chàng hãy trở về vùng núi Ida tìm em. Em có thể chữa lành cho chàng dù bệnh tật của chàng có hiểm nghèo đến đâu chăng nữa. Bởi vì ngoài em ra chẳng ai biết liều thuốc thần diệu và quý giá đó ở vùng rừng núi Ida này.
Vì lẽ đó nên Paris mới bảo gia nhân khiêng mình vào vùng rừng núi Ida, tìm đến nơi ở của tiên nữ Nymphe Oenone. Nhưng sự đời ai học được chữ ngờ, Oenone gặp lại Paris trong cảnh chàng bị trọng thương, hấp hối, nhưng từ trái tim nàng không phải là lòng thương người, và lòng vị tha dâng lên, ngược lại, một nỗi giận hờn ghen tuông bùng cháy dữ dội. Nàng chẳng thấy trước mắt nàng là người bạn tình đang đau đớn vì chất độc của mũi tên, chỉ còn thoi thóp. Nàng chỉ thấy đây là con người đã phụ bạc nàng, bỏ nàng sống trong nỗi cô đơn và buồn tủi, gieo xuống đời nàng bao sầu muộn, khổ đau. Thế là nàng bỏ mặc Paris nằm đấy. Nàng ra đi, nàng chẳng cần giữ lời hứa tình nghĩa và cao thượng xưa kia. Nàng bỏ mặc Paris, và Paris chết. Paris chết không ai biết, không một người thân thích ở bên. Tình cờ những người chăn chiên bắt gặp xác chàng. Họ nhận ra ngay được người bạn xưa kia đã từng sống với họ trong cảnh gió ngàn đồng nội bên đàn súc vật hiền lành. Đau đớn xiết bao! Họ khóc than thương tiếc cho số phận của chàng, và chính họ, những người bạn của Paris, bảo nhau đốn củi rừng thiết lập giàn thiêu để làm lễ hỏa táng cho chàng. Họ chôn bình đựng hài cốt của chàng xuống một cái huyệt sâu và khuân đá xếp dựng cho chàng một nấm mồ to đẹp để tưởng nhớ đến chiến công của chàng. Còn Oenone, sau đó ít lâu, hối hận về hành động của mình đã treo cổ tự tử.
Thế là Philoctète đã tham chiến và lập được chiến công lừng lẫy trả thù được cho Achille. Việc thứ nhất đã được thực hiện.
Việc thứ hai thì không có gì khó khăn. Néoptolème vừa đặt chân lên mảnh đất Troie là chàng xin được thử sức. Ngay trận đầu chàng đã tỏ ra xứng đáng là con dòng cháu giống. Chàng hạ được khá nhiều dũng tướng của quân Troie. Trong số những danh tướng bị hạ, ta phải kể đến chiến công quật ngã tướng Eurypylos người cầm đầu đạo quân xứ Mysie tới chi viện cho quân Troie. Eurypylos là con của nhà vua Télèphe và hoàng hậu Astyoché. Chúng ta hẳn còn nhớ chuyện vua xứ Mysie bị thương vào bụng, được Achille chữa khỏi, sẵn sàng giúp quân Hy Lạp, dẫn đường cho họ đổ bộ lên đất Troie. Đó chính là vị vua đã sinh ra danh tướng Eurypylos giờ đây đang là bạn đồng minh của quân Troie. Mẹ Eurypylos là Astyoché, mà Astyoché lại là chị ruột của vua Priam. Vì lẽ đó bà không thể ngồi yên nhìn thành Troie ngày một tiến gần đến thảm họa. Lão vương Priam đã gửi biếu bà chị một dây nho vàng để cầu xin sự giúp đỡ. Người xưa kể, dây nho vàng này vốn là từ cây nho của thần Zeus trồng cho chàng thiếu niên xinh đẹp Ganymède, con của Tros, mà thần Zeus đem lòng yêu mến đã biến mình thành con đại bàng bắt chàng về thế giới Olympe để hầu hạ. Vì lẽ đó, Astyoché thúc giục người con trai của mình thống lĩnh ba quân sang chi viện cho thành Troie, mặc dù người con trai ấy không hào hứng gì trong việc dấn thân vào cảnh đầu rơi máu chảy. Eurypylos xuất trận. Chàng đã lập được những chiến công xuất sắc đáng làm cho quân Hy Lạp phải kiêng nể. Danh tướng và danh y Machaon con của vị thần y Asclépios đã đọ tài với chàng và phải đền mạng. Néoptolème đụng độ với chàng trong một cuộc giao tranh kéo dài và ác liệt. Đó là lúc sau khi Eurypylos hạ hết vị tướng này đến chiến binh khác của quân Hy Lạp, xông tràn vào khu vực chiến thuyền và toan phóng hỏa, nhưng Số mệnh không cho quân Troie và quân Mysie thắng lợi. Vì thế Néoptolème đã kết liễu đời chàng.
Còn việc thứ ba thì hoàn toàn không gặp trở ngại khó khăn gì. Hài cốt của nhà vua Pélops được đưa sang vùng đồng bằng Troade và mai táng tại mảnh đất nóng bỏng này.
Lại nói về Ulysse. Chàng lại lập tiếp một cuộc chiến công xuất sắc nữa. Đó là việc đột nhập vào thành Troie, vào hẳn trong nội thành, đoạt bức tượng thờ mang tên Palladion. Mặc dù quân Troie ngày càng suy yếu đi rõ rệt, các danh tướng lần lượt theo nhau về vương quốc của bóng tối âm u dưới quyền cai quản của thần Hadès, nhưng quân Hy Lạp vẫn không sao phá vỡ được bức thành cao ngất tận trời xanh. Ulysse quyết định dấn thân vào một công việc cực kỳ mạo hiểm. Chàng làm cho khuôn mặt mình biến dạng đi, thay đổi đi, bằng cách sai người đấm, vả vào mặt mình. Sau đó chàng cải trang thành một ông già ăn mặc rách rưới, một ông lão hành khất, đột nhập vào trong nội thành dò xét tình hình. Chẳng người dân, người lính Troie nào nhận ra được chàng. Chỉ có nàng Hélène là chàng không thể lừa được. Hélène gọi chàng vào nhà, tiếp đãi ân cần. Chàng hỏi Hélène nhiều điều và được Hélène trả lời tỉ mỉ. Nhờ đó chàng biết được thành Troie có một bức tượng hộ mệnh, bức tượng đó tên gọi là Palladion. Chàng quyết định ngay: phải đoạt bằng được bức tượng này thì thành Troie mới có thể bị hạ.
Trở về doanh trại quân Hy Lạp, Ulysse cùng với Diomède chiêu tập một đội tinh binh để thực hiện nhiệm vụ. Cũng bằng cách cải trang đột nhập vào nội thành, hai vị tướng này đã hoàn thành sứ mạng một cách vẻ vang, khôn khéo. Mất bức tượng hộ mệnh này, số phận thành Troie dường như có thể tính trên đầu ngón tay được.
Có một nguồn khác lại kể, Hélénos bị Ulysse bắt sống sau khi Paris chết. Do Paris chết, những người con trai của Priam tranh nhau nàng Hélène, nhưng vua Priam không gả Hélène cho Hélénos mà lại gả cho Déiphobe. Hélénos tức giận bỏ vào núi ở. Do đó anh ta mới bị Ulysse bắt sống.
218 Un médecin vaut beaucoup d’autres hommes. Xem Homère, Iliade, chant XI, 510-520, traduit par Paul Mazon, Les Belles Lettres, Paris 1956.