Quyển 2 – Chương 95: Cuộc hành trình xuống thế giới âm phủ của thần Hadès

Cuộc hành trình xuống thế giới âm phủ của thần Hadès

Sau khi Ulysse nói rõ cho các bạn đồng hành biết sự gian nan vất vả của cuộc hành trình sắp tới, họ tỏ ra vô cùng lo sợ nhưng đã quen tuân theo thượng lệnh nên họ vẫn sẵn sàng cùng chàng xuống thuyền để đi về miền bắc xa xôi. Circé phù phép cho con thuyền thuận buồm xuôi gió. Cuối cùng, con thuyền của Ulysse đến được vùng biển Đại dương Đầu Bạc, cập bến vào xứ sở của những người Kimméri226, nơi không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng của thần Hélios. Xứ sở này bị che phủ vĩnh viễn bởi sương mù dày đặc, lạnh lẽo và bóng đêm mù mịt. Ở đó, Ulysse và các bạn đồng hành đưa con thuyền lên bờ, dắt một con cừu đực và một con cừu cái đen xuống để làm lễ hiến tế cho các vị thần ở dưới âm phủ. Họ đi đến một mỏm núi cao, nơi hai con sông Cocyte và Pyriphlégéthon đổ vào sông Achéron227. Đến đó, Ulysse dùng mũi kiếm của mình đào một cái hố thật sâu rồi đổ vào đó ba chén: một chén mật ong, một ly rượu và một chén nước, rắc bột lúa mạch xuống đó rồi chọc tiết những con cừu hiến tế. Máu của các con vật chảy vào cái hố. Một đám đông vong hồn xúm lại bên hố và xin được là người đầu tiên uống những giọt máu của những con vật hiến sinh. Ở đây có linh hồn các cô gái, chàng trai trẻ tuổi, các ông già, bà già và những chiến binh trong các trận đánh. Ulysse và các bạn đồng hành cảm thấy vô cùng sợ hãi. Họ thiêu những con vật hiến tế và cầu khấn thần Hadès và vợ ông là Perséphone. Ulysse nắm chặt chuôi kiếm và ngồi bên cạnh hố để ngăn cản không cho những vong hồn đi vào trong hố. Người đầu tiên đến gần miệng hố là linh hồn chàng trai trẻ Elpénor. Linh hồn của chàng trai này đã đến bên cổng âm phủ từ trước khi đoàn người của Ulysse tới. Elpénor van xin Ulysse hãy chôn cất thi thể cậu để linh hồn cậu có thể được thanh thản trong vương quốc của thần Hadès. Ulysse hứa sẽ thực hiện nguyện vọng của cậu. Tiếp đến và linh hồn của Anticlée, mẹ của Ulysse, bay đến bên hố. Khi Ulysse rời đảo Ithaque để tham gia Cuộc chiến Troie, bà vẫn còn sống. Mặc dù rất đau lòng nhưng chàng không thể để cho mẹ mình đến gần cái hố vì người đầu tiên uống máu ở cái hố phải là linh hồn của nhà tiên tri mù Tirésias. Cuối cùng thì linh hồn của Tirésias xuất hiện. Uống máu xong, linh hồn của Tirésias cho Ulysse biết rằng thần Poséidon rất giận chàng vì chàng đã chọc mù mắt con trai của thần là tên khổng lồ một mắt Polyphème. Tirésias đoán cho Ulysse biết rằng mặc cho thần Poséidon không muốn, chàng vẫn về được đến nhà nếu chàng và các bạn đồng hành không ăn thịt con bò thần của thần Hélios. Nếu các bạn đồng hành của Ulysse ăn thịt bò thì họ sẽ phải chết hết, chỉ còn một mình Ulysse còn sống trở về quê hương nhưng cũng phải trải qua muôn vàn gian khó. Về đến nhà Ulysse sẽ trả thù được bọn cầu hôn nhưng chỉ sau khi chàng vác chiếc mái chèo đi cho đến một xứ sở mà ở đó người dân không biết chèo thuyền trên biển, không bao giờ nhìn thấy tàu thuyền. Ulysse sẽ nhận biết những người này khi họ hỏi chàng tại sao lại vác chiếc xẻng trên vai. Ở xứ sở này, Ulysse phải làm cho Poséidon thất bại và chỉ sau đó mới được trở về nhà. Ở nhà chàng phải cúng tế thật nhiều sản vật cho tất cả các thần và chỉ đến khi đó, chàng mới được sống yên ổn ở Ithaque cho đến khi chết.

Đó là những điều mà nhà tiên tri mù nói với Ulysse. Nói xong rồi ông ta bỏ đi. Lúc này, Ulysse mới để ý nhìn thấy rất nhiều linh hồn. Linh hồn của mẹ chàng, sau khi đã uống máu, kể cho chàng nghe về những điều đã xảy ra ở Ithaque cho đến trước khi bà chết. Bà an ủi chàng rằng cha chàng, lão vương Laerte; vợ chàng, nàng Pénélope và đứa con trai nhỏ của chàng, bé Télémaque vẫn còn sống. Ulysse muốn ôm chặt người mẹ thân yêu của mình trong vòng tay nhưng ba lần chàng cầm tay bà là ba lần, cái bóng nhẹ bẫng của bà tuột khỏi tay chàng. Chàng nhìn thấy trong vương quốc của thần Hadès bóng dáng của nhiều vị anh hùng nhưng chàng không thể nào kể hết tên vì chỉ có một đêm, làm sao mà nhớ cho xuể. Lúc này cũng đã muộn, chàng cần phải nghĩ tới đường về. Trong vương quốc của Hadès, Ulysse còn nhìn thấy vong hồn của nhà vua Agamemnon. Nhà vua cay đắng than phiền về người vợ Clytemnestre và Égisthe, những kẻ đã giết nhà vua trong ngày ông ta trở về. Linh hồn Agamemnon khuyên Ulysse khi trở về Ithaque không nên tin vào Pénélope, vợ chàng. Ulysse còn nhìn thấy linh hồn Achille, Patrocle, Antiloque. Ulysse kể cho Achille nghe về những chiến công lừng lẫy của con trai chàng, Néoptolème. Achille rất vui vì nghe được tin đó và chàng chua xót phàn nàn về cuộc sống vô vị của những linh hồn trong vương quốc của thần Hadès. Achille nói rằng chàng ước ao được sống một cuộc sống dù là của một kẻ bần cùng trên trần thế vẫn còn hơn làm vua ở vương quốc của những linh hồn chết. Mặc dù Ulysse đã tìm mọi cách lấy lòng Hadès nhưng ông này vẫn giận dữ lặng lẽ bỏ đi vì nghe thấy câu chuyện giữa Ulysse và Achille. Ulysse cũng đã gặp vị quan tòa của những người chết, vua Minos, nhìn thấy sự khổ ải của Tantale và Sisyphe. Cuối cùng thì linh hồn của người anh hùng vĩ đại nhất trong những người anh hùng – Héraclès – đến gần Ulysse. Mặc dù Héraclès đã là vị thần bất tử sống trên thế giới Olympe nhưng linh hồn ông vẫn vật vờ trong thế giới của Hadès. Ulysse còn muốn chờ xem linh hồn của các bậc anh hùng vĩ đại nhất của quá khứ nhưng bỗng nhiên, các linh hồn cùng kêu lên một tiếng kêu thảm thiết. Quá sợ hãi, chàng chạy lao lên con tàu của chàng. Chàng sợ rằng Perséphone sẽ cử Méduse đuổi theo.

Ulysse và các bạn đồng hành vội vàng chèo con thuyền vào Đại dương Bạc Đầu và rời bỏ xứ sở của những người Kimméri.

226 Kimméri là một tộc người thần thoại sống ở vùng cực tây bắc Trái đất.

227 Những con sông ở âm phủ.

Thần Thoại Hy Lạp

Thần Thoại Hy Lạp

Status: Completed Author:

Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại liên quan đến các vị thần, các anh hùng, bản chất của thế giới, và nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo họ. Chúng là một phần của tôn giáo Hy Lạp cổ đại và nay là một phần của một tôn giáo hiện đại lưu hành ở Hy Lạp và trên thế giới gọi là Hellenismos. Các học giả hiện đại tham khảo và nghiên cứu các truyện thần thoại này để rọi sáng vào các thể chế tôn giáo, chính trị Hy Lạp cổ đại, nền văn minh của nó cũng như để tìm hiểu về bản thân sự hình thành huyền thoại.

Thần thoại Hy Lạp được thể hiện rõ ràng trong tập hợp đồ sộ những truyện kể, và trong các tác phẩm nghệ thuật tượng trưng Hy Lạp, chẳng hạn các tranh vẽ trên bình gốm và các đồ tế lễ. Thần thoại Hy Lạp cố gắng giải thích nguồn gốc của thế giới, và kể tỉ mỉ về cuộc đời và các cuộc phiêu lưu của một tập hợp đa dạng những vị thần, nữ thần, anh hùng và những sinh vật thần thoại. Những truyện kể này đầu tiên được truyền miệng bằng thơ ca; ngày nay các thần thoại Hy Lạp chủ yếu được biết thông qua văn học Hy Lạp.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset