Chương 82

Chương 82

Tại CERN, cô thư ký Sylvie Baudeloque cảm thấy đói bụng và muốn về nhà. Nhưng rủi thay, Kohler đã vượt qua cơn nguy kịch. Ông ta vừa gọi điện, không phải là đề nghị, mà là yêu cầu Sylvie làm thêm giờ. Không một lời giải thích.

Bao năm nay, Sylvie đã tự dặn mình không nên để bụng sự trái tính trái nết của Kohler – sự im lặng, thói quen kỳ quặc muốn dùng chiếc máy quay phim kỳ dị của ông ta để ghi lại tất cả các cuộc gặp gỡ. Chị thầm ước con người này sẽ có lần bắn nhầm phải chính mình khi đang bắn súng trường trong trường bắn giải trí của trung tâm. Nhưng rõ ràng ông ta là một xạ thủ rất cừ.

Lúc này, ngồi một mình bên bàn làm việc, Sylvie thấy bụng đang sôi lên ùng ục. Kohler vẫn chưa quay lại, cũng chẳng có một lời chỉ dẫn về công việc của chị tối nay. Ngồi một mình mà chịu đói kiểu này thật là chán, chị thầm nghĩ. Sylvie để lại trên bàn một lời nhắn cho Kohler, định chạy ù sang khu nhà ăn của viện để kiếm thứ gì ăn qua loa cho đỡ đói.

Nhưng Sylvie không thực hiện được ý định đó.

Đi ngang qua khu giải trí của CERN, một dãy phòng có trang bị ti-vi chị nhận thấy tất cả các phòng này đều đầy chật người, rõ ràng là những nhân viên này đã bỏ ăn tối để vào đây xem thời sự. Hình như có chuyện động trời. Sylvie bước vào phòng đầu tiên. Phòng này thấy toàn những anh chàng lập trình viên trẻ tuổi. Trông thấy hàng chữ lớn trên ti-vi, Sylvie há hốc mồm.

THẢM HỌA TẠI VATICAN

Nghe xong bản tin, Sylvie không dám tin vào tai mình. Một hội kín sát hại các Hồng y Giáo chủ? Để chứng minh điều gì? Lòng căm thù của họ ư? Địa vị thống trị của họ ư? Hay sự ngu dốt của họ?

Nhưng điều kỳ quặc là bầu không khí trong căn phòng này không một chút buồn bã hay ủ rũ.

Hai anh chàng kỹ thuật viên trẻ tuổi chạy qua, tay vẫy vẫy những chiếc áo phông in ảnh Bill Gates và lời nói của nhà tỉ phú này: RỒI MỘT NGÀY CÁC KỸ THUẬT VIÊN MÁY TÍNH SẼ THỐNG TRỊ THẾ GIỚI.

– Illuminati! – Một người hô to. – Tôi đã bảo là hội này có thật mà lại!

– Không tin nổi! Cứ tưởng chỉ là một trò chơi thông thường.

– Họ giết Giáo hoàng rồi, các bạn ơi! Giáo hoàng cơ đấy!

– Ối dào! Anh được bao nhiêu điểm rồi hả?

Tất cả cười rộ lên.

Sylvie sững sờ. Là một con chiên mộ đạo làm việc cùng những nhà khoa học, đôi khi chị phải chịu đựng những lời xầm xì vô thần đầy báng bổ, nhưng những anh chàng này dường như vô cùng phấn khích trước mất mát của giáo hội. Làm sao họ có thể nói những lời báng bổ đến thế? Sao họ lại căm thù nhà thờ đến thế?

Trong tâm thức của Sylvie, nhà thờ chỉ là một tổ chức vô hại… một nơi tràn ngập tình yêu thương và sự chia sẻ… đôi khi chỉ là nơi người ta đến để hát to lên mà không sợ bị người khác để ý.

Nhà thờ là nơi in dấu những sự kiện quan trọng trong đời chị – đám tang, đám cưới, lễ rửa tội, những ngày lễ – và nhà thờ chẳng bao giờ đòi hỏi gì để đổi lại cho vai trò của nó. Thậm chí tiền quyên góp cũng là tùy tâm. Sau những buổi giảng bài ngày Chủ nhật ở nhà thờ lũ trẻ trở nên đáng yêu hơn, tâm hồn chúng đầy ắp những ý tưởng giúp đỡ người khác và sống tốt hơn. Những cái đó có gì là xấu?

Sylvie luôn ngạc nhiên khi thấy những người được cho là lỗi lạc ở CERN không thể nào hiểu nổi tầm quan trọng của nhà thờ.

Chẳng lẽ họ thực sự tin rằng những hạt quark và meson có thể tác động đến những người bình thường? Rằng các phương trình có thể thực sự thay thế cho niềm tin vào đấng tối linh?

Choáng váng, Sylvie bước dọc hành lang, qua những phòng giải trí khác. Tất cả các phòng có ti-vi đều chật cứng. Lúc này, chị bắt đầu thắc mắc về cuộc gọi từ Vatican mà Kohler nhận lúc trước. Trùng hợp ngẫu nhiên? Rất có thể. Đôi khi Vatican vẫn gọi điện cho CERN, một động thái có tính chất ngoại giao trước khi đưa ra một lời bình luận gay gắt nào đó về những nghiên cứu ở đây – gần đây nhất là thành tựu đột phá của CERN về công nghệ nano, lĩnh vực mà giáo hội vẫn chỉ trích vì e ngại những liên quan của nó đến công nghệ gen. CERN chẳng bao giờ để ý.

Dường như đã thành lệ, gần như ngay sau loạt đạn của Vatican sẽ là cuộc điều tra của một tổ chức nào đó liên quan đến việc có cho phép triển khai tiếp nghiên cứu đó hay không. “Không gì đáng sợ bằng bị báo chí nhòm ngó”, Kohler vẫn thường nói vậy.

Sylvie cân nhắc việc nhắn tin cho Kohler, dù ông ta có đang ở đâu để bảo ông ta bật ti-vi lên. Ông ấy có quan tâm không nhỉ? Ông ấy đã biết chưa? Dĩ nhiên, chắc chắn ông ấy phải biết rồi. Biết đâu Kohler lại còn đang ghi băng toàn bộ bản tin này, và đang nở nụ cười đầu tiên trong năm.

Tiếp tục đi dọc hành lang, cuối cùng thì Sylvie cũng tìm được một nơi mà bầu không khí có vẻ dịu hơn… gần như là buồn bã.

Trong phòng này, chị thấy những gương mặt có tuổi và đáng kính trọng nhất ở CERN. Lúc Sylvie bước vào trong phòng, họ thậm chí không ngẩng lên nhìn.

° ° °

Ở đầu kia của toà nhà lớn, trong căn phòng lạnh lẽo của Leonardo Vetra, Maximilian Kohler đã đọc xong cuốn sổ nhật ký bọc da lấy từ ngăn kéo bàn của Vetra. Lúc này ông đang xem bản tin. Mấy phút sau, Kohler cất cuốn sổ vào chỗ cũ, tắt ti-vi và ra khỏi phòng.

° ° °

Ở một nơi khác rất xa, tại Vatican, Hồng y Mortati bê khay lá phiếu. Tới chân ống khói nhà nguyện Sistine. Ngài đốt những lá phiếu trên khay, khói đen bốc lên.

Một lần bỏ phiếu. Chưa có Giáo hoàng.

Thiên Thần Và Ác Quỷ

Thiên Thần Và Ác Quỷ

Score 9
Status: Completed Author:

Thiên thần và ác quỷ thu hút người đọc bởi sự uyên bác và tài dẫn truyện của Dan Brown, người đã thể hiện khả năng nắm bắt siêu hạng về các lĩnh vực khoa học và tôn giáo qua loạt tác phẩm đã được phát hành ở Việt Nam như “Mật mã Da Vinci”, “Pháo đài số”… Cuộc chiến giữa tôn giáo và khoa học ẩn hiện trong Thiên thần và ác quỷ, bắt đầu bằng cái chết của một nhà khoa học tên tuổi. Robert Langdon, giáo sư trường Đại học Harvard, được mời đến hiện trường để xác nhận biểu tượng bí hiểm mà hung thủ đã khắc lên ngực nạn nhân. Kết luận: Thủ phạm là Illuminati, một hội kín vốn đã ngừng hoạt động từ gần bốn trăm năm trước, giờ tái sinh để tiếp tục báo thù nhà thờ Thiên Chúa giáo, kẻ thù truyền kiếp của họ.

Người ta “tóm” nguồn cơn tạo ra sự bí hiểm của Thiên thần và ác quỷ trên các trang viết :”Lúc ấy, tại Rome, đâu đó giữa những bức tường của Tòa thánh Vatican là một quả bom hẹn giờ đang đếm những giây cuối cùng trước khi phô diễn sức mạnh hủy diệt. Vào những giây phút cuối cùng ấy, cùng với Vittoria Vetra - một nhà khoa học nữ người Italia vô cùng quyến rũ và bí hiểm, Langdon tìm cách giải mã những ký hiệu cổ trải khắp thành Rome để tìm ra đại bản doanh của hội Illuminati với hi vọng giải cứu cho thành phố Vatican. Họ luôn chậm chân hơn Illuminati bởi tổ chức này đã cài được nội gián vào Tòa thánh...”.

Hồi hộp, háo hức, căng thẳng là cảm nhận của bạn đọc khi dõi theo hơn 600 trang viết của Dan Brown. Dale Brown, một nhà văn khác, người từng 12 lần có sách được New York Times bình chọn là bán chạy nhất, nhận xét: “Thiên thần và ác quỷ” là địa ngục mà một cuốn sách có thể tạo ra. Nó gợi trí tò mò, sự ngờ vực và trí tưởng tượng”. Davina Morgan - Witts thì viết trên mạng BookBrower.com rằng: “Một trong số những cuốn sách hay nhất mà tôi từng đọc. “Thiên thần và ác quỷ” một phần là chuyện rùng rợn, phần là chuyện ly kỳ bí ẩn và hoàn toàn là chuyện hành động”…

(Anh Bảo - Báo HNM).

"Brown tưởng tượng ra một hành trình đầy ngoạn mục xuyên qua thành Rome. Những tình tiết, những giờ khắc đầy kinh ngạc khiến độc giả phải hồi hộp nín thở, nhất là phần kết". Pubishers Weekly.

"Những cuộc vật lộn sinh tử, những âm mưu lắt léo, tình yêu, tôn giáo, khoa học, hành động sát nhân, kỳ bí, kiến trúc, và hành động". Reviews Kirkus.

"Một cuốn tiểu thuyết với tốc độ gấp gáp và kịch tính không kém gì Clancy và Cussler. Những hành động dồn dập cuốn độc giả vào một cuộc hành trình hiểm nghèo rất đời thực. Thiên thần và Ác quỷ là một câu chuyện độc giả sẽ không thể nào quên". Midwest Book Review.

"Thật xuất sắc! Những nhân vật rất có chiều sâu... cốt truyện thật bất ngờ, kỳ thú, khác lạ, và đầy ngạc nhiên. Và phần kết thì... không thể diễn tả bằng lời". New Hampshire Sunday News.

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset