Chương 14

Chương 14

SAU KHI THAM VẤN VỚI MARIANNE JACKSON, phỏng vấn viên tâm lí, D.D. đã trưng dụng một phòng của đội tội phạm kinh tế. Không gian ở đó đẹp đẽ hơn bất kì phòng nào mà bên điều tra án mạng có, và hi vọng nó sẽ bớt đáng sợ đối với đứa bé. Marianne đã mang theo hai chiếc ghế gập cỡ trẻ em, một tấm thảm sáng màu hình bông hoa và một giỏ đầy xe tải, búp bê và đồ để vẽ. Trong vòng chưa tới mười phút, vị chuyên gia trẻ em đã làm cho chỗ ấy trông như là một phòng chơi của trẻ chứ không phải phòng thẩm vấn của ban điều tra chống gian lận. D.D. bị ấn tượng.

Cô khá hài lòng với buổi họp báo sáng nay. Cô đã cố ý giữ nó ngắn gọn. Nói ít cũng tức là nói nhiều ở thời điểm này. Sẽ càng có ít trích dẫn để sau này quay lại ám ảnh cô, nếu họ quyết định tên tội phạm xâm hại tình dục trong hồ sơ mới là nghi phạm chính chứ không phải người chồng, hoặc tệ hơn nữa là một đối tượng không tên nào đó chưa được xác định. Thêm vào đó, mục đích lớn nhất của họ là tăng số lượng những cặp mắt và đôi tai tìm kiếm Sandra Jones. Tìm được người vợ còn sống sẽ tránh cho họ khỏi mọi sự rắc rối. Ba mươi bảy giờ sau khi bắt đầu điều tra mà D.D. vẫn nuôi hi vọng. Không nhiều. Nhưng còn hi vọng.

Giờ cô đang bận rộn xếp lại đống ghi chú và hai cái bút trên bàn quan sát. Miller đã có mặt, ngồi trong chiếc ghế gần cửa nhất, nơi anh ta dường như mải miết suy tư, căn cứ vào điệu vuốt râu nhịp nhàng của anh ta. Cô nghĩ anh ta nên cạo râu đi. Một bộ râu như thế rõ ràng là đòi phải đi cùng với một bộ vét ăn chơi màu xanh lơ mà cô thì thực sự không muốn trông thấy Thanh tra Brian Miller trong một bộ vét màu xanh. Mặc dù vậy cô không nói gì. Đàn ông có thể rất dễ tự ái khi nhắc tới râu ria.

D.D. lại nghịch bút, đóng mở chiếc bút bi. Loa ngoài đã được bật, cho phép họ nghe điều đang nói trong phòng thẩm vấn. Đến lượt mình, Marianne cũng gài một chiếc tai nghe tí hon để cô nhận được các câu hỏi phụ hoặc yêu cầu thêm do họ nói vào một chiếc micro không dây. Marianne đã cảnh báo họ phải ngắn gọn và tập trung. Quy tắc chung cho một cuộc phỏng vấn với trẻ em là mỗi tuổi của đứa bé tương đương năm phút, tức là họ có khoảng hai mươi phút để biết mọi điều cần biết từ nhân chứng tiềm năng bốn tuổi Clarissa Jones.

Họ đã thảo ra chiến lược từ trước: các câu hỏi chủ chốt để xác định tính tin cậy của Clarissa và khả năng làm nhân chứng, tiếp đó là những câu hỏi cụ thể hơn liên quan đến những giờ cuối cùng của Sandra Jones trong đêm thứ tư.

Có rất nhiều công việc phải làm trong khoảng thời gian họ có, nhưng Marianne đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tỉ mỉ – những cuộc phỏng vấn tiếp theo với nhân chứng trẻ em rất mạo hiểm. Điều tiếp theo bạn biết, một luật sư biện hộ sẽ cãi rằng nửa tá lần bạn đòi phỏng vấn để làm rõ thêm sẽ là nửa tá lần bạn quấy nhiễu, phỉnh phờ, và mặt khác làm chệch hướng đối tượng trẻ tuổi, dễ bị ảnh hưởng của bạn. Marianne chỉ cho họ hai lần để nói chuyện với một đứa trẻ là tối đa, và dù kết quả thế nào, D.D. cũng đã dùng mất một lần khi thẩm vấn Clarissa ở nhà của cô bé vào sáng thứ năm. Vậy đây là lần chót.

Viên cảnh sát ở dưới tầng báo cho họ biết Jason và con gái anh ta đã đến. Marianne lập tức xuống dưới để hộ tống họ lên lầu trước khi Ree trở nên quá sợ hãi khi đối mặt với toàn bộ hội sở cảnh sát. Một vài đứa trẻ bị mê hoặc bởi đàn ông và phụ nữ mặc sắc phục. Tuy nhiên, rất nhiều đứa trẻ lại cảm thấy bị đe doạ. Nói chuyện với người lạ đã đủ khó khăn rồi, Ree không cần phải bắt đầu quá trình ấy trong tình trạng sợ hết hổn.

D.D. và Miller nghe tiếng bước chân trong hành lang. Cả hai đều quay ra cửa một cách trông đợi và bất chấp những dự định tốt nhất của mình, D.D. vẫn thấy hổi hộp. Thẩm vấn một đứa bé tệ hơn hai mươi lần so với đối mặt với cánh báo chí hay vị phó chánh thanh tra mới, bất kì ngày nào trong tuần. Cô không quan tâm đến phóng viên, và phần lớn thời gian cũng không quan tâm tới vị chỉ huy mới. Mặt khác, cô luôn cảm thấy thương bọn trẻ.

Lần đầu tiên cô thẩm vấn trẻ con, cô bé mười một tuổi đã hỏi cô có muốn xem đơn giá của con bé không: rồi con bé kéo từ ưong túi quần sau ra một tờ giấy bé tí, gập thành một hình vuông nhỏ không tưởng. Đó là một đơn giá các hành động tình dục, được bố dượng của con bé chuẩn bị: Làm bằng tay 25 xu, Làm bằng miệng năm mươi xu, Làm thật một đô la. Con bé đã lấy trộm 20 đô la khỏi ví bố dượng. Đây là cách của hắn để cho con bé trả nợ. Chỉ có điều lần cuối cùng con bé thực hành “dịch vụ,” hắn đã không chịu trả tiền, và việc đó làm con bé cáu tiết đến mức tới gặp cảnh sát. Ôi, những câu chuyện buồn đã được kể ra trong căn phòng này …

Tiếng bước chân ngừng ngoài cửa. D.D. nghe thấy Marianne đang nói.

“Clarissa, cháu đã từng vào một căn phòng phép thuật bao giờ chưa ?”

Không có câu trả lời, vì thế D.D. đoán là Ree đang lắc đầu.

“Tốt, giờ cô sắp đưa cháu vào một nơi đặc biệt. Trong đó có một tấm thảm đẹp, hai cái ghế, có lẽ là vài đồ chơi mà cháu sẽ muốn thử. Nhưng nó cũng là một căn phòng đặc biệt với vài nguyên tắc đặc biệt. Cô sẽ nói hết cho cháu nghe, ok, nhưng đầu tiên cháu phải chào Ba đi đã. Ba sẽ chờ cháu ở ngay phòng này, để ông ấy ở gần bên khi cháu cần, nhưng trong căn phòng phép thuật này sẽ chỉ có cô và cháu thôi.”

Vẫn không có câu trả lời.

“Xem nào, anh chàng này tên là gì ấy nhỉ ? Ô, cô xin lỗi, cô gái này. Thỏ Bé à ? Đáng lẽ cô phải đoán được đó là một cô gái, nhìn xem cái váy hồng này. Chà, Thỏ Bé, cháu có thích những bông hoa bự màu hồng không, bởi vì cô thấy cháu giống như loại thỏ thích một bông hoa hồng thiệt bự. Cô phải nói là khổng lồ. Loại hoa mà cháu phải nhìn mới tin được. Thật dấy. Nào, đi thôi, cô sẽ chỉ cho cháu. Và cô sẽ giải thích cho cháu một ít về phép thuật.”

Cửa mở. Jason Jones bước vào phòng. Bố của Clarissa bước di cứng ngắc, như thể anh ta đang di chuyển bằng chế độ lái tự động. Biểu cảm tỉnh bơ đã trở lại trên mặt anh ta, đó chính là điểm mà D.D. không thể quyết định được liệu anh ta là một gã hoàn toàn điên loạn hay là người khắc kỉ nhất mà cô từng gặp. Anh ta đóng cánh cửa nặng nề phía sau mình, rồi nhìn vào D.D. và Miller với một chút cảnh giác. D.D. xoay ngược tờ giấy phép cô đã in ra và trượt nó qua bàn về phía anh ta, đưa anh ta một chiếc bút bi mực đen.

“Những mẫu đơn này cho thấy anh đã chấp thuận để một bác sĩ tâm lí có bằng cấp thẩm vấn con anh nhân danh cảnh sát Boston.”

Jason dành cho cô cái nhìn như thể anh ta không tin sự cho phép của mình thực sự quan trọng. Nhưng anh ta vẫn kí vào tờ đơn không nói một lời, trả lại nó cho cô trước khi đến đứng cạnh bức tường xa cửa sổ quan sát nhất. Anh ta dựa người ra sau vòng hai cánh tay trước ngực. Ánh mắt anh ta tới chỗ cửa sổ mà qua đó họ có thể nhìn thấy Marianne và Ree vào trong phòng thẩm vấn. Ree đang nắm chặt con thỏ màu nâu te tua như để bảo toàn mạng sống, đôi tai mềm của nó che mất hai bàn tay con bé.

Marianne đóng cửa. Cô đi tới giữa phòng nhưng thay vì ngồi xuống một trong hai chiếc ghế gập nhỏ màu đỏ, cô ngồi bắt chéo chân trên tấm thảm màu hồng. Cô đưa tay đập lên đó vài lần, như thể đang mời con bé ngồi xuống.

D.D. cầm chiếc micro lên và tuyên bố cho Marianne được biết. “Giấy chấp thuận đã kí. Cô có thể bắt đầu.”

Marianne khẽ gật đầu, những ngón tay cô chà qua tai nghe đặt bên trong tai. “Cháu nghĩ sao ?” cô nói to với Clarissa Jones, chỉ về phía cái thảm màu hồng. “Đó có phải là một bông hoa đẹp không ? Với cô trông nó giống hoa hướng dương, có điều cô không nghĩ hoa hướng dương màu hồng.”

“Đó là hoa cúc,” Ree nói bằng giọng nhỏ tí. “Mẹ cháu trồng chúng.”

“Một bông cúc à ? Tất nhiên rồi ! Cháu biết nhiều về hoa nhỉ.”

Ree vẫn đứng, ôm chặt con thỏ đã tả tơi của con bé. Những ngón tay cô bé đã tìm được một bên tai thỏ và đang nhịp nhàng gãi nó. Cử động vô thức ấy làm D.D. đau đớn. Cô cũng từng làm thế lúc còn nhỏ. Đã từng có một chú chó nhồi bông. Đã làm rách rời tai nó khỏi cái đầu mòn xơ chỉ.

“Vậy, như cô đã bảo cháu ở dưới nhà, tên cô là Marianne Jackson,” vị chuyên gia đang vui vẻ nói. “Việc của cô là nói chuyện với trẻ em. Đó là việc cô làm. Cô nói chuyện với những bé trai và bé gái. Và nói để cháu biết nhé, Ree, việc đó không dễ như cháu tưởng đâu.”

Lần đầu tiên, Ree phản ứng, trán con bé cau lại. “Tại sao không ?”

“Vì một điều, có những nguyên tắc đặc biệt khi nói chuyện với các bé trai và các bé gái. Cháu có biết không ?”

Ree nhích lại gần hơn, lắc đầu. Mũi chân con bé chạm vào bông hoa màu hồng. Dường như con bé đang nghiên cứu tấm thảm.

“À, như cô đã nhắc tới ở bên ngoài, đây là một căn phòng phép thuật, và có bốn nguyên tắc để nói chuyện trong một phòng phép thuật.” Marianne giơ bốn ngón tay lên để đối chiếu. “Một, chúng ta chỉ nói về những việc thực sự xảy ra. Không phải những việc có thể mà là đã thực sự xảy ra.”

Ree lại cau mày, di chuyển tới gần hơn một chút.

“Cháu có hiểu sự khác nhau giữa nói thực và nói dối không, Clarissa ?” Marianne vươn tay vào rổ đồ chơi, lấy ra một con chó nhồi bông. “Nếu cô nói đây là một con mèo, đó là nói thực hay nói dối ?”

“Nói dối,” Ree tự động nói. “Đó là một con chó.”

“Rất tốt ! Vậy đó là quy tắc một Chúng ta chỉ nói sự thật, được không ?”

Ree gật đầu. Dường như con bé đã đứng mỏi chân, nên ngồi xuống ngay phía trên tấm thảm hoa, giờ con thỏ ở trên đùi nó.

“Quy tắc hai,” Marianne đang nói, “là nếu cô hỏi cháu một câu hỏi và cháu không biết câu trả lời, cháu chỉ cần nói cháu không biết. Cháu có hiểu không ?”

Ree gật.

“Cô bao nhiêu tuổi, Clarissa ?”

“Chín mươi lăm,” Ree nói.

Marianne mỉm cười, hơi rầu rĩ. “Nào, Clarissa, cháu có

biết cô bao nhiêu tuổi không ? Cháu đã hỏi hay dã có ai nói cho cháu chưa ?”

Ree lắc đầu. “Vậy thì thực ra cháu không biết cô bao nhiêu tuổi Và cháu phải nói gì nếu cháu không biết điều gì dó ?”

“Cháu không biết,” Ree nói tiếp một cách ngoan ngoãn.

“Ngoan lắm. Cô sống ở đâu ?”

Ree mở miệng nói, rồi dường như tự ngăn mình lại. “Cháu không biết !” con bé la lên, lần này có thoáng đắc thắng.

Marianne cười toe. “Cô có thể nói là ở trường cháu học rất giỏi. Cháu có phải là một học sinh xuất sắc không ?”

“Cháu khô-khôn-trước tuổi,” Ree tự hào nói. “Mọi người đều bảo thế.”

“Khôn trước tuổi à ? Cô hoàn toàn đồng ý và cô rất tự hào về cháu, ok, quy tắc ba. Nếu cháu không nhớ điều gì thì cháu nói là không nhớ cũng không sao. Vậy cháu bao nhiêu tuổi khi cháu biết đi lần đầu ?”

“Cháu đi từ khi mới sinh ra,” Ree bắt đầu nói nhưng ngừng giữa chừng khi con bé nhớ ra quy tắc ba. Con bé thả chú thỏ nhồi bông ra và vỗ hai bàn tay một cách vui sướng. “CHÁU KHÔNG NHỚ !” con bé reo len sung sướng. “Cháu. Không. Nhớ”

“Cháu là học sinh giỏi nhất cô từng có,” Marianne nói, vẫn ngồi bắt chéo chân trên thảm. Cô giơ lên bốn ngón tay- “Được rồi, học sinh hạng sao 1 quy tắc cuối. Cháu biết quy tắc bốn là gì không ?”

“CHÁU KHÔNG BIẾT !” Ree vui vẻ hét lên.

“Cháu giỏi quá. Vậy, quy tắc bốn, nếu cháu không hiểu điều gì cô nói hay hỏi, cháu có thể nói không hiểu. Capisce ?”

“Capisce !” Ree hét lại ngay. “Nó có nghĩa là “Tôi hiểu,” trong tiếng Ý ! Cháu biết tiếng Ý. Cô Suzie đang dạy chúng cháu tiếng Ý.”

Trong một giây, Marianne chỉ chớp mắt. Rõ ràng là cả trong thế giới của nhà tâm lí học, vẫn có những đứa trẻ khôn trước tuổi, và thực sự khôn trước tuổi. Thành thực mà nói, D.D. cũng khó mà giữ mặt bình thản được. Cô liếc về phía Jason, nhưng anh ta vẫn có cùng cái nhìn trống rỗng trên mặt. Đèn tắt, cô lại nghĩ. Anh ta ở trong phòng, nhưng đã ngừng hoạt động.

Việc đó khiến cô nghĩ tới một vài điều, và cô thấy mình đang nghệch ngoạc ghi vội câu hỏi vào sổ tay.

Trong phòng thẩm vấn, Marianne Jackson dường như đã lấy lại tự chủ. “Thôi được rồi. Cháu đã biết các quy tắc. Vậy, kể cho cô nghe, Clarissa … ”

“Ree. Mọi người đều gọi cháu là Ree.”

“Sao mọi người lại gọi cháu là Ree ?”

“Vì khi còn bé cháu không thể nói Clarissa. Cháu nói Ree. Và Ba Mẹ thích thế nên họ cũng gọi cháu là Ree. Trừ khi cháu mắc lỗi. Khi đó Mẹ sẽ gọi, “Clarissa Jane Jonesvà cháu có thời gian đếm đến ba để trả lời nếu không phải ra ngồi ở cầu thang tạm nghỉ.”

“Cầu thang tạm nghỉ à ?”

“Vâng. Cháu phải ngồi ở bậc cuối của cầu thang trong vòng 4 phút. Cháu không thích cầu thang tạm nghỉ.”

“Thế còn cô bé cháu đang cầm ? Thỏ Bé ấy. Cô ấy có bao giờ gặp rắc rối không ?”

Clarissa nhìn vào Marianne. “Thỏ Bé là một đồ chơi. Đồ chơi không thể gặp rắc rối. Chỉ có người gặp thôi.”

“Rất tốt, Clarissa. Cháu là một cô gái thông minh.”

Đứa trẻ cười toe toét.

“Cô thích Thỏ Bé,” Marianne tiếp tục chuyện gẫu. “Cô có Gấu Pooh hồi bằng tuổi cháu. Bên trong nó có một cái hộp nhạc mà khi cháu lên dây cót sẽ phát ra điệu Ngôi sao nhỏ lấp lánh.

“Cháu cũng thích Pooh,” Ree thật thà nói. Giờ con bé đã lại gần hơn, ngồi hẳn trên thảm, nhìn qua người Marianne vào cái giỏ đan. “Gấu Pooh đâu ạ ? Nó có trong giỏ không ?”

“Thực ra nó đang ở nhà, trên giá sách của cô. Nó là một đồ chơi đặc biệt với cô, và cô không nghĩ chúng ta có bao giờ quá lớn để chơi đồ chơi đặc biệt” Nhưng Marianne chuyển cái giỏ lên trên tấm thảm, gần Ree hơn, giờ con bé rõ ràng đã bắt chuyện và rất tò mò về phần còn lại của căn phòng phép thuật.

D.D. lại lén nhìn Jason lần hai. Vẫn không có phản ứng. Vui, buồn, lo lắng, bồn chồn. Không hề. Cô ghi chép lần thứ hai trên sổ.

“Ree, cháu có biết tại sao hôm nay cháu ở đây không ?”

Đứa trẻ kém vui một chút. Nó hơi khom người, hai bàn tay cọ vào con thỏ khi nó ngồi lại. “Ba nói cô là một người tốt. Ba nói sẽ tốt hơn nếu cháu nói chuyện với cô.”

Giờ D.D. có thể cảm thấy Jason căng thẳng. Anh ta không cử động, không nói, nhưng mạch máu đột nhiên phập phồng trên cổ anh ta.

“Cái sẽ tốt hơn, cháu yêu ?”

“Cô có mang mẹ cháu về không ?” Ree hỏi bằng giọng lí nhí. “Ông Smith đã về. Mới sáng nay. Nó cào vào cửa và bọn cháu cho nỏ vào nhà và cháu yêu nó, nhưng … Cô có mang mẹ cháu về không ? Cháu nhớ Mẹ.”

Marianne không nói ngay. Dường như cô ta đang quan sát đứa trẻ một cách cảm thông trong lúc để cho sự im lặng kéo dài. Qua cửa sổ quan sát, D.D. nhìn vào tấm thảm hồng, những chiếc ghế gập, rổ đồ chơi, bất kì thứ gì ngoài cái nhìn dau đớn trên gương mặt bé nhỏ. Bên cạnh cô, Miller nhấp nhổm khó chịu trên ghế của anh ta. Nhưng Jason Jones vẫn không cử động lấy một thớ thịt hay nói một từ nào.

“Kể cho cô nghe về gia đình cháu đi,” Marianne nói. D.D. nhận ra kĩ thuật phỏng vấn này. Rút lui khỏi chủ đề nhạy cảm. Định nghĩa thế giới rộng hơn của đứa bé. Rồi vòng trở lại vết thương. “Có những ai trong nhà cháu ?”

“Có cháu và Mẹ và Ba,” Ree bắt đầu. Con bé lại đang gãi tai Thỏ Bé. “Và tất nhiên cả Ông Smith nữa. Hai con gái và hai con trai.”

D.D. ghi chú thêm, phả hệ gia đình qua đôi mắt của một dứa trẻ bốn tuổi.

“Thế còn họ hàng ?” Marianne đang hỏi. “Cô, dì, chú, bác, anh em họ, ông bà, hay bất kì ai khác ?”

Ree lắc đầu.

D.D. ghi xuống, Họ hàng ? ? ? Rõ ràng đứa bé không biết về chính ông ngoại của nó, có lẽ càng khẳng định tuyên bố của Jason là Sandra và bố cô ta đã từ mặt nhau, hoặc có thể là khẳng định rằng Jason Jones đã thành công trong việc cô lập người vợ của mình.

“Còn cô trông trẻ ? Có ai khác giúp chăm sóc cháu không, Ree ?”

Ree ngây ra nhìn Marianne. “Ba Mẹ chăm sóc cháu.”

“Tất nhiên rồi. Nhưng lỡ họ làm việc, hoặc cần phải đi đâu đó thì sao ?”

“Ba đi làm, Mẹ trông cháu,” Ree nói. “Rồi Ba về nhà và Mẹ

đi làm, nhưng Ba cần phải ngủ nên cháu đi học. Rồi Ba tới đón cháu và chúng cháu có khoảng thời gian Ba và Con gái.”

“Cô hiểu rồi. Cháu đi học ở đâu hả Ree ?”

“Cháu đi học mẫu giáo. Trong tòa nhà gạch cùng với những anh chị lớn. Cháu học ở lớp Bông hoa nhỏ. Mặc dù vậy năm tới khi cháu lên năm, cháu sẽ được vào phòng học lớn với những anh chị sắp vào lớp một.”

“Các giáo viên của cháu là ai ?”

“Cô Emily và cô Suzie.”

“Bạn thân nhất ?”

“Cháu chơi với Mimi và Olivia. Bọn cháu thích chơi trò các cô tiên. Cháu là Cô tiên vườn.”

“Vậy là cháu có bạn thân nhất. Còn Ba Mẹ cháu thì sao, ai là bạn thân nhất của họ.”

Đó là một câu hỏi thường thấy khác, thường được dùng

trong các vụ CSA , hay Tấn công tình dục ở trẻ em, trong đó nghi phạm có thể không phải là một người họ hàng, mà là một người hàng xóm đáng nghi hoặc bạn của gia đình. Điều quan trọng là để cho đứa trẻ định nghĩa thế giới của chính nó, để sau này nếu người phỏng vấn có đưa ra một cái tên thì nó không có vẻ như người phỏng vấn đang dẫn dắt nhân chứng.

Tuy nhiên Ree lắc đầu. “Ba nói cháu là bạn tốt nhất của Ba. Hơn nữa, Ba làm việc nhiều lắm vì thế cháu không nghĩ Ba có bạn. Các ông bố rất là bận rộn.”

Lần này Miller nhìn vào Jason. Tuy nhiên bố của Ree vẫn tiếp tục đứng bất động ở chân tường, cương quyết nhìn chằm chằm xuyên qua cửa sổ như thể anh ta đang xem một chương trình truyền hình chứ không phải một chuyên gia có bằng cấp đang phỏng vấn con gái anh ta. Sau một phút nữa, Miller quay đầu lại.

“Cháu thích cô Lizbet,” Ree đang kể. “Nhưng cô ấy và Mẹ không chơi chung với nhau. Họ là giáo viên.”

“Ý cháu là gì ?” Marianne hỏi.

“Cô Lizbet dạy lớp bảy. Năm ngoái, cô đã giúp dạy Mẹ cách để trở thành một giáo viên. Giờ Mẹ đang dạy lớp sáu. Nhưng chúng cháu vẫn còn gặp cô Lizbet ở các trận đấu bóng rổ.”

“Ồ thế à ?”

“Vâng, cháu thích bóng rổ. Mẹ đưa cháu đi xem. Ba đi làm, cô biết đấy. Nên đó là đêm của Mẹ và Con gái, đêm nào cũng thế. Yeah !” Trong một thoáng, Ree dường như quên mất tại sao cô bé đang ở trong căn phòng này. Rồi trong giây tiếp theo, D.D. có thể nhìn thấy nhận thức ấy trùm xuống đứa trẻ, đôi mắt của cô bé mở lớn, rồi toàn bộ cơ thể nó sụp xuống, cho đến khi một lần nữa nó cúi gập người bên con thỏ nhồi bông, vò đôi tai của chú thỏ tội nghiệp.

Đằng sau D.D., cuối cùng Jason Jones cũng nhăn mặt.

“Lần cuối cháu thấy mẹ là khi nào ?” Marianne khẽ hỏi.

Một câu trả lời lí nhi: “Mẹ cho cháu đi ngủ.”

“Cháu có biết đó là ngày nào trong tuần không Ree ?”

“Chủ nhật, thứ hai, thứ ba, thứ tư,” Ree hát bằng giọng nho nhỏ. “Thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật.”

“Rất tốt. Vậy cháu có biết ngày Mẹ đưa cháu lên giường là ngày nào không ?”

Trông Ree thừ người ra. Rồi con bé lại bắt đầu hát, “chủ nhật, thứ hai, thứ ba, thứ tư … ”

Marianne gật đầu và hỏi tiếp; rõ ràng đứa trẻ biết một bài hát về các ngày trong tuần, chứ không phải là chính các ngày. Rất may là còn có nhiều cách khác để thiết lập ngày và giờ khi gặp trường hợp một nhân chứng quá trẻ. Marianne sẽ bắt đầu hỏi về các chương trình truyền hình, các bài hát trên ra-đi-ô, kiểu như vậy. Trẻ con có thể không biết nhiều từ khía cạnh của người trưởng thành, nhưng chúng lại có thiên hướng quan sát rất nhiều, khiến cho việc điền đầy đủ thông tin cần thiết là khả thi, thường là với những kết quả đáng tin cậy hơn cả một nhân chứng chỉ đơn giản nói, “Tám giờ tối thứ tư.”

“Vậy hãy kể cho cô nghe về buổi tối với mẹ cháu đi Ree. Ai ở nhà ?”

“Cháu và Mẹ.”

“Còn ông Smith, hay Thỏ Bé hay Ba cháu hay bất kì ai khác ?”

Bất kì ai khác ở đây lại là một kĩ thuật phỏng vấn tiêu chuẩn khác. Khi đưa ra cho đứa bé một danh sách để lựa chọn, mục cuối cùng luôn luôn là “bất kì ai khác” hay “cái gì đó khác” hay “nơi nào khác”; nếu không, bạn sẽ thành dẫn dắt nhân chứng.

“Ông Smith,” Ree nói. “Và Thỏ Bé. Không có Ba. Cháu gặp Ba lúc ban ngày, Mẹ lúc ban đêm.”

“Còn ai khác không ?”

Ree cau mày với cô. “Đêm là thời gian của Mẹ và cháu. Chúng cháu có đêm của các quý cô.”

D.D. ghi chú.

“Vậy cháu làm gì trong đêm của các quý cô ?” Marianne hỏi “Ghép hình. Cháu thích chơi ghép hình.”

“Trò ghép hình nào ?”

“Ừm, chúng cháu làm hình ghép bướm, rồi hình ghép công chúa trải hết cả một cái thảm. Chỉ có điều nó đến chỗ khó, bởi vì Ông Smith cứ bước lên hình ghép và cháu phát cáu, vì thế Mẹ nói, có lẽ chúng cháu nên bỏ qua.”

“Cháu có thích âm nhạc không Ree ?”

Cô bé chớp mắt. “Cháu thích.”

“Cháu và Mẹ có nghe nhạc trong lúc chơi ghép hình, hay có lẽ là bật tivi, hay ra-đi-ô hay cái gì khác không ?”

Ree lắc đầu. “Cháu thích nhảy theo nhạc của Tom Petty” nó nói một cách thản nhiên, “nhưng ghép hình là thời gian im lặng.” Con bé làm mặt nghiêm trang, có lẽ giống mẹ nó, bắt đầu một bài giảng bằng một ngón tay giơ lên: “Trẻ con cần thời gian im lặng. Việc đó khiến não chúng phát triển !”

“Cô hiểu.” Marianne nghe có vẻ bị ấn tượng một cách hợp lí. “Vậy là cháu và Mẹ có khoảng thời gian im lặng với trò ghép hình. Rồi hai người làm gì ?”

“Ăn tối.”

“Ăn tối à ? Ồ, cô thích bữa tối. Món ưa thích của cháu là gì ?”

“Mì và pho mát. Và kẹo giun dẻo. Cháu thích kẹo giun dẻo, nhưng cô không thể ăn chúng vào bữa tối, chỉ để tráng miệng thôi.”

“Đúng,” Marianne nói một cách đồng cảm. “Mẹ cô không bao giờ cho cô ăn giun dẻo vào bữa tối. Thế cháu và mẹ đã ăn gì ?

“Mì và pho mát” Ree khai không do dự, “với một ít xúc xích gà tây và táo. Cháu không thực sự thích xúc xích gà tây, nhưng Mẹ nói cháu cần protein để phát triển các cơ bắp, vì thế nếu cháu muốn ăn mì và pho mát thì phải ăn cả xúc xích gà tây.” Con bé nghe có vẻ buồn bã.

D.D. ghi lại thực đơn, bị ấn tượng không chỉ vì mức độ chi tiết của Ree, mà còn bởi sự ăn khớp với lời khai đầu tiên vào sáng thứ năm. Một nhân chứng kiên định luôn khiến cho một thám tử vui mừng. Và mức độ chi tiết nghĩa là họ có thể chứng thực lời khai của Ree về phần đầu của tối đó, khiến cho bồi thẩm đoàn khó mà bác bỏ điều đứa trẻ có thể nói về những sự kiện diễn ra ở phần sau. Rốt cuộc, cô bé Clarissa Jones bốn tuổi là một nhân chứng tốt hơn tám mươi phần trăm người lớn mà D.D. đã gặp.

“Hai người làm gì sau bữa tối ?” Marianne hỏi.

“Tắm táp !” Ree hát.

“Tắm táp à ?”

“Vâng. Cháu và Mẹ tắm cùng nhau. Cô có cần biết ai ở trong nhà tắm không ?” rõ ràng đến lúc này Ree đã nhận ra khuôn mẫu câu hỏi.

“Ok.”

“À, không có Ông Smith, bởi vì nó ghét nước, và không có Thỏ Bé, bởi vì nó tắm ở trong máy giặt cơ. Nhưng Công chúa vịt và Barbie Mariposa và Barbie Công chúa đảo đều cần tắm, vì thế chúng vào cùng bọn cháu. Mẹ nói cháu chỉ được tắm cho ba thứ, nếu không cháu sẽ dùng hết nước nóng.”

“Cô hiểu. Thế Mẹ đã làm gì ?”

“Mẹ gội đầu cho cháu, rồi gội đầu cho mình, rồi Mẹ la cháu vì cháu dùng nhiều xà phòng quá.”

Marianne lại chớp mắt.

“Cháu thích bong bóng,” Ree giải thích. “Nhưng Mẹ nói xà phòng tốn tiền và cháu dùng nhiều quá, vì thế Mẹ cho xà phòng vào một cái cốc nhỏ cho cháu và nó không bao giờ đủ. Các Barbie có nhiều tóc lắm.”

“Ree, nếu cô kể với cháu là cô có tóc màu xanh, điều đó là sự thật hay là dối trá.”

Ree cười toe, nhận ra trò chơi lần nữa. Cô bé giơ ngón tay đầu tiên lên. “Đó là một lời nói dối, và trong căn phòng phép thuật, chúng ta chỉ nói sự thật.”

“Rất tốt, Ree. Tuyệt lắm. Vậy là cháu và Mẹ đang ở trong bồn tắm, và cháu đã dùng rất nhiều xà phòng. Cháu cảm thấy thế nào trong bồn tắm hả Ree ?”

Ree cau mày với Marianne, rồi dường như điều gì đó bật ra. Cô bé giơ bốn ngón tay lên. “Cháu không hiểu,” nó nói một cách tự hào.

Marianne mỉm cười. “Lại xuất sắc nữa. Cô sẽ cố giải thích. Khi cháu và Mẹ tắm … cháu thích hay là không thích ? Cháu cảm thấy sao ?”

“Cháu thích tắm vòi,” Ree thành thật nói. “Chỉ không thích bị gội đầu.”

D.D. có thể cảm nhận sự dè dặt của Marianne lần nữa. Một mặt, chuyện mẹ tắm chung với con gái bốn tuổi chẳng có gì là không thích hợp. Mặt khác, Marianne Jackson đã không có việc làm nếu tất cả bố mẹ đều hợp cách. Có điều gì đó không ổn trong gia đình này. Việc của họ là giúp Ree tìm ra một cách để nói đó là gì.

“Sao cháu không thích bị gội đầu ?” Marianne hỏi.

“Vì tóc cháu rối bù. Tóc cháu không ngắn lắm, cô biết đấy. Không, khi nó ướt, nó thường dài tới lưng cháu ! Mẹ mất bao nhiêu lâu mới gột được hết dầu gội đầu, và rồi Mẹ phải dùng dầu xả nếu không nó lại càng rối bù hơn và cháu chẳng thích

tóc cháu chút nào. Cháu ước cháu có mái tóc thẳng như bạn thân của cháu, Mimi.” Ree thở dài thườn thượt.

Marianne mỉm cười, tiếp tục hỏi. “Vậy cháu làm gì sau khi tắm ?”

“Bọn cháu lau người,” cô bé báo cáo, “rồi đi tới Giường Lớn, nơi Mẹ muốn cháu nói về ngày của cháu, nhưng hầu hết thời gian là cháu cù kì Mẹ.”

“Giường Lớn ở đâu ?”

“Phòng của Ba Mẹ. Đó là chỗ chúng cháu đi tới sau khi tắm táp. Và Ông Smith nhảy lên, nhưng cháu thích vật lộn còn nó thì không thích thế.”

“Cháu thích vật lộn à ?”

“Vâng,” Ree tự hào nói. “Cháu khỏe lắm ! Cháu lăn Mẹ xuống sàn nhà và việc đó khiến cháu buồn cười.” Con bé giơ cả hai cánh tay lên, rõ ràng là để bắt chước cú lộn. “Việc đó cũng khiến Mẹ cười nữa. Cháu thích tiếng cười của Mẹ.” Giọng con bé trượt đi một cách nuối tiếc. “Cô có nghĩ Mẹ cáu vì cháu đã đẩy Mẹ xuống giường không ? Mẹ không có vẻ cáu, nhưng có thể … Một lần, ở trường, Olivia đã xé bức tranh cháu vẽ và cháu bảo bạn ấy là không sao, nhưng thực ra là có sao và cháu càng ngày càng cáu tiết hơn. Cháu cáu giận suốt cả ngày ! Cô có nghĩ đó là việc đã xảy ra không ? Mẹ đã cáu suốt cả ngày ấy ?”

“Cô không biết, bé cưng,” Marỉanne thành thật nói. “Sau khi cháu và Mẹ vật nhau, chuyện gì đã xảy ra ?”

Con bé nhún vai. Lúc này trông nó đã mệt mỏi, kiệt sức. D.D. liếc vào đồng hồ. Cuộc phỏng vấn đã kéo dài được 40 phút, quá xa thời gian tiêu chuẩn 20 phút của họ.

“Giờ ngủ,” Ree lẩm bẩm. “Bọn cháu mặc áo ngù.”

“Cháu đã mặc gì hả Ree ?”

“Áo ngủ Ariel màu xanh của cháu.”

“Còn Mẹ ?”

“Mẹ mặc một cái áo thun màu tím. Nó rất dài, gần tới đầu gối Mẹ.”

D.D. ghi chú lại, một chi tiết nữa có thể chứng thực, căn cứ vào sự hiện diện của chiếc áo ngủ màu tím trong máy giặt

“Vậy sau khi mặc đồ ngủ ?”

“Đánh răng, đi tè, lên giường. Hai câu chuyện. Một bài hát. Mẹ hát bài Chú rồng phép thuật Puff. Cháu mệt rồi,” con bé đột ngột tuyên bố, hơi nóng nảy. “Cháu muốn kết thúc bây giờ. Chúng ta xong chưa ạ ?”

“Chúng ta gần xong rồi, cưng ạ. Cháu đang làm rất giỏi. Chỉ một vài câu hỏi nữa thôi, được không, rồi cháu có thể hỏi cô bất kì điều gì cháu muốn. Cháu có thích thế không ? Hỏi cô một câu hỏi ấy ?”

Ree nhìn Marianne một lúc. Rồi, với tiếng thở ra đột ngột, thiếu kiên nhẫn, con bé gật đầu. Con bé lại đặt thỏ nhồi bông trên đùi nó. Nó đang gãi cả hai tai của chú thỏ.

“Sau khi mẹ cháu đưa cháu vào giường, Mẹ làm gì ?”

Cháu không hiểu.

“Mẹ có tắt đèn, đóng cửa hay cái gì khác không ? cháu ngủ như thế nào hả Ree ? Cháu có thể tả phòng cháu cho cô được không ?”

“Cháu có một cái đèn ngủ,” cô bé khẽ nói. “Cháu chưa được năm tuổi. Cháu nghĩ khi người ta bốn tuổi thì người ta có thể có một cái đèn ngủ. Có lẽ, khi cháu đã được đi xe buýt của trường học … Nhưng cháu chưa được đi xe buýt, nên cháu có một cái đèn ngủ. Nhưng cửa thì đóng. Mẹ luôn đóng cửa. Mẹ nói cháu là một người khó ngủ.”

“Vậy là cửa bị đóng, cháu có một cái đèn ngủ. Còn gì khác trong phòng cháu không ?”

“Thỏ Bé, tất nhiên rồi. Và Ông Smith. Nó luôn ngủ trên giường cháu bởi vì cháu đi ngủ trước tiên và mèo thì rất thích đi ngủ.”

“Còn gì khác giúp cháu ngủ không ? Âm nhạc, một cái máy phát ra âm thanh, máy giữ độ ẩm, bất kì cái gì khác ?”

Ree lắc đầu. “Không.”

Tên con mèo của cô là gì, Ree ?

Ree cười toe với cô. “Cháu không biết.”

“Rất tốt. Nếu cô bảo cháu rằng những chiếc ghế này màu xanh, cô đang nói thật hay đang nói dối ?”

“Không ! Ghế màu đỏ !”

“Đúng vậy. Và chúng ta chỉ nói thật trong phòng phép thuật, phải không nào ?”

Ree gật đầu, nhưng D.D. có thể đọc được sự căng thẳng trên người con bé lần nữa. Marianne đang đi vòng. Vòng quanh, vòng quanh, vòng quanh.

“Cháu có ở yên trên giường không, Ree ? Hay là cháu có thể đã thức dậy để kiểm tra mẹ hay đi tè hay bất kì việc gì khác ?”

Con bé lắc đầu, nhưng nó không còn nhìn vào Marianne nữa.

“Mẹ cháu làm gì sau khi cháu đi ngủ hả Ree ?” Marianne khẽ hỏi.

“Mẹ làm việc. Chấm điểm.” Ánh mắt đứa bé ngước lên. “ít nhất là cháu nghĩ như vậy.”

“Cháu có bao giờ nghe thấy những tiếng ồn ở dưới nhà, chẳng hạn tiếng tivi hay ra-đi-ô hay tiếng bước chân của mẹ hay cái gì khác không ?”

“Cháu nghe thấy tiếng ấm đun trà,” Ree thì thào.

“Cháu nghe tiếng ấm đun trà à ?”

“Nó rít lên. Trên bếp. Mẹ thích trà. Đôi khi bọn cháu có tiệc trà và Mẹ làm cho cháu ly trà táo thật.” Con bé đang nói, nhưng giọng nó đã thay đổi. Nó có vẻ kém cảm xúc, chỉ bằng một phần của nó lúc trước.

D.D. nhìn Jason Jones, vẫn đang đứng dựa tường. Anh ta không cử động, nhưng giờ đây mặt anh ta đã hơi u ám. Phải rồi, họ sắp đánh trúng đích.

“Ree, sau ấm trà kêu, cháu còn nghe thấy gi ?”

“Tiếng bước chân.”

“Bước chân à ?”

“Vâng. Nhưng chúng không đúng. Chúng lớn tiếng quá. Giận dữ. Những bước chân giận dữ trên cầu thang. Ố ô,” con bé hát. “Ố ô, Ba đang giận.”

Đằng sau D.D., Jason nhăn mặt lần thứ hai. Cô nhìn thấy anh ta nhắm mắt, nuốt nước bọt nhưng vẫn không nói một lời.

Trong phòng thẩm vấn, Marianne cũng im lặng như thế. Cô để cho sự im lặng kéo dài cho đến khi đột nhiên Ree bắt đầu nói lại, cả người con bé đu đưa từ trước ra sau, hai bàn tay chà mãi trên đôi tai thỏ nhồi bông:

“Có cái gì đó bị đổ. Bị vỡ. Cháu nghe thấy, nhưng cháu đã không ra khỏi giường. Cháu không muốn ra khỏi giường. Ông Smith thì có. Nó nhảy ra khỏi giường. Nó đứng cạnh cửa nhưng cháu không muốn ra khỏi giường. Cháu ôm chặt Thỏ Bé. Cháu bảo nó phải hết sức im lặng. Chúng cháu phải im lặng.”

Con bé ngưng lời một giây, rồi đột nhiên nói bằng giọng nhỏ rí, cao chói vói. “Xin đừng làm thế.” Nó nghe có vẻ rầu rĩ. “Đừng làm thế. Em sẽ không nói đâu. Anh có thể tin em. Em sẽ không bao giờ nói. Em yêu anh. Em vẫn yêu anh … ”

Ánh mắt Ree ngước lên. D.D. thề với Chúa là đứa trẻ đang nhìn thẳng qua chiếc kính một chiều vào mặt bố nó. “Mẹ đã nói, “em vẫn yêu anh.” Mẹ đã nói, “xin đừng làm thế.” Rồi mọi thứ đổ vỡ, và cháu không nghe nữa. Cháu bịt tai Thỏ Bé và cháu thề là cháu không nghe nữa và cháu không bao giờ, không bao giờ rời khỏi giường. Làm ơn, cô có thể tin cháu. Cháu đã không ra khỏi giường.”

*

* *

Mười giây sau đứa bé hỏi, “Cháu xong chưa ?” khi Marianne vẫn không nói gì. “Ba cháu đâu ? Cháu không muốn ở trong căn phòng phép thuật nữa. Cháu muốn về nhà.”

“Cháu xong hết rồi,” Marianne tử tế nói, khẽ chạm vào cánh tay con bé. “Cháu đã làm một cô bé hết sức dũng cảm Ree ạ. Cảm ơn cháu vì đã nói chuyện với cô.”

Ree chỉ gật đầu. Mắt con bé có vẻ đờ đẫn, năm mươi phút nói chuyện đã làm nó mệt nhoài. Khi nó cố đứng dậy, nó bị lảo đảo một chút. Marianne phải đỡ nó.

Trong phòng quan sát, Jason Jones đã bước khỏi bức tường. Miller vừa vặn đi tới cánh cửa trước anh ta, mở ra để đón ánh đèn nê-ông rực rỡ bên ngoài hành lang.

“Cô Marianne ?” giọng Ree vọng tới từ phòng thẩm vấn.

“Sao cưng.”

“Cô nói cháu có thể hỏi cô một câu hỏi … ”

“Đúng vậy, cô đã nói vậy. Cháu có muốn hỏi cô một câu không ? Hãy hỏi cô bất kì điều gì.” Marianne cũng đã đứng dậy. Giờ D.D. trông thấy phỏng vấn viên dừng lại, quỳ xuống trước mặt đứa trẻ để cô có thể ngang tầm mắt với nó. Phỏng vấn viên đã tháo chiếc micro nhỏ xíu ra, nó đang treo lủng lẳng trên tay cô ta.

“Khi cô bốn tuổi, mẹ cô có bỏ đi không ?”

Marianne vuốt một lọn tóc xoăn màu nâu khỏi má con bé, giọng cô nghe nhỏ xíu, từ xa vọng lại. “Không, cưng ạ, khi cô bốn tuổi, mẹ cô đã không bỏ đi.”

Ree gật đầu. “Cô thật may mắn khi cô bốn tuổi.”

Ree rời khỏi phòng thẩm vấn. Con bé nhìn thấy bố đang chờ ở ngay ngoài cửa phòng, và lao vội vào vòng tay bố.

D.D. nhìn họ ôm nhau một lúc lâu, đôi cánh tay nhỏ bé của một đứa trẻ bốn tuổi quấn chặt quanh cơ thể cứng chắc của bố nó. Cô nghe thấy Jason rì rầm gì đó thật khẽ và xoa dịu đứa bé. Cô thấy anh ta khẽ vuốt ve tấm lưng run rẩy của Ree.

Cô nghĩ cô hiểu được chính xác Clarissa Jones yêu cả bố lẫn mẹ nhiều như thế nào. Và cô tự hỏi, như vẫn thường tự hỏi trong công việc của mình, tại sao với nhiều bậc cha mẹ, chỉ tình yêu vô điều kiện của con cái họ thôi là không đủ.

*

* *

Họ làm báo cáo mười phút sau đó, sau khi Marianne đã đưa Jason và Ree ra khỏi tòa nhà. Miller có ý kiến của mình. Marianne và D.D. cũng có ý kiến của họ.

“Ai đó đã vào nhà đêm thứ tư,” Miller bắt đầu. “Rõ ràng là đã có một cuộc đụng độ với Sandra, và Ree bé nhỏ tin ai đó chính là bố cô bé. Tất nhiên đó có thể là ước đoán của con bé. Nó nghe tiếng bước chân, cho rằng chúng là của bố nó, vừa đi làm về.”

D.D. đã bắt đầu lắc đầu. “Nó đã không kể hết với chúng ta.”

“Không,” Marianne đồng ý.

Miller lườm cả hai bọn họ.

“Chắc chắn Ree đã ra khỏi giường vào đêm thứ tư,” D.D. nói. “Như đã thấy rõ trong cái cách nó đi ngược lại tính cách của mình và kể với chúng ta nó không ra khỏi giường.”

“Nó đã ra khỏi giường,” Marianne nhắc lại, “và trông thấy điều gì đó mà nó còn chưa sẵn sàng nói.”

“Bố nó,” Miller phát biểu, nghe có vẻ nghi ngại. “Nhưng vào lúc cuối, cái cách nó ôm anh ta … ”

“Anh ta vẫn là bố nó,” Marianne khẽ giải thích. “Và nó dễ bị tổn thương và sợ hãi kinh khủng bởi mọi việc đang diễn ra trong thế giới của nó.”

“Vậy thì tại sao anh ta lại phải cho nó tới ?” Miller phản đối. “Nếu con bé đã vào trong phòng ngủ đêm thứ tư và trông thấy bố nó đang đánh nhau với mẹ nó, anh ta sẽ không muốn nó làm chứng.”

“Có lẽ anh ta đã không thấy con bé xuất hiện ở ngưỡng cửa,” D.D. gợi ý với một cái nhún vai.

“Hoặc anh ta tin tưởng là con bé sẽ không nói,” Marianne nói thêm. “Từ lúc còn rất nhỏ, bọn trẻ đã có được cảm nhận về các bí mật gia đình. Chúng nhìn bố mẹ chúng nói dối với hàng xóm, với cảnh sát, với những người thương yêu khác – Tôi đã ngã xuống cầu thang, tất nhiên mọi chuyện đều ổn – và chúng tiếp thụ những lời nói dối này cho đến khi nó trở nên một bản năng thứ hai của chúng y như việc thở vậy. Rất khó để khiến một đứa trẻ vạch trần chính bố mẹ mình. Nó giống như là đòi hỏi chúng phải lặn xuống một cái hồ rất sâu mà không được lấy hơi.”

D.D. thở dài, nhìn các ghi chép của mình. “Không đủ để xin một lệnh bắt,” cô kết luận, đã bắt đầu chuyển sang bước tiếp theo.

“Không,” Miller đồng ý. “Chúng ta cần một khẩu súng bốc khói. Hoặc ít nhất là cái xác của Sandra Jones.”

“Chà, cứ bắt đầu làm nhanh đi,” Marianne thông báo với cả hai. “Bởi vì giờ tôi có thể nói với hai vị, đứa trẻ đó biết nhiều hơn. Nhưng nó cũng đang hết sức cố gắng để không

biết những gì nó đã biết. Thêm một vài ngày, một tuần nữa, các vị sẽ không bao giờ nghe được câu chuyện của con bé nữa, đặc biệt là nếu nó còn tiếp tục dành hết thời giờ với ông bố thân yêu của nó.”

Marianne bắt đầu nhặt nhạnh đồ chơi trong phòng thẩm vấn. Miller và D.D. quay đi, ngay khi tiếng máy nhắn tin gắn ở chỗ eo D.D. vang lên. Cô nhìn màn hình hiển thị, cau mày. Một thám tử nào đó thuộc cảnh sát bang đang cố triệu tập cô. Đúng là con người. Tổ chức một bữa tiệc nhỏ với cánh báo chí và đột nhiên ai cũng muốn có phần hành động. Cô làm việc hợp lí là lờ nó đi khi cô và Miller quay lại phòng án mạng.

“Tôi muốn biết Jason Jones từ đâu tới,” D.D. tuyên bố trong lúc đi lên cầu thang. “Một gã lạnh lùng và tự chủ đến thế. Làm việc như một phóng viên tỉnh lẻ, ngồi trên bốn triệu đô, và theo lời con gái anh ta thì thậm chí chẳng có lấy một người bạn thân. Điều quái gì làm gã này khó chịu được ?”

Miller nhún vai.

“Hãy cho hai thám tử đào bới thông tin tiểu sử chi tiết,” D.D. nói tiếp. “Đào tận gốc rễ, tôi muốn biết mọi thứ về Jason Jones, Sandra Jones và gia đình hai bên của họ. Tôi có thể nói với anh ngay bây giờ, có điều gì đó sẽ xuất hiện.”

“Tôi muốn cái máy tính của anh ta,” Miller lẩm bẩm.

“Này, ít nhất chúng ta cũng có thùng rác của anh ta. Có tin gì chưa ?”

“Có một đội đang làm rồi. Cho họ vài giờ nữa, họ sẽ có một báo cáo.”

“Miller ?” cô hỏi với cái nhìn khó chịu trên mặt.

“Cái gì ?”

“Tôi biết là Ree đã trông thấy điều gì đó vào đêm ấy. Anh biết Ree đã trông thấy gì đó. Lỡ như kẻ thủ ác cũng biết thì sao ?”

“Ý cô là Jason Jones ?”

“Hoặc Aidan Brewster. Hoặc là nghi phạm chưa xác định số 367.”

Miller không trả lời ngay, nhưng cũng bắt đầu có vẻ lo lắng. Marianne Jackson đã nói đúng: Ree hiện giờ đang rất, rất dễ bị tổn thương.

“Tôi đoán là chúng ta nên nhanh lên,” Miller nói dứt khoát

“Ừ, đoán vậy.”

Vụ Mất Tích Bí Ẩn

Vụ Mất Tích Bí Ẩn

Status: Completed Author:

Tiếp theo những tiểu thuyết về tình yêu, hôn nhân, cuốn sách mới nhất của tủ sách Ajarbook là một tác phẩm trinh thám hấp dẫn và gay cấn từ những trang sách đầu tiên cho đến cuối cùng.Vụ mất tích bí ẩn -tiểu thuyết của nhà văn Lisa Gardner đã đạt được những giải thưởng danh giá: Giải sách trinh thám hay nhất năm 2011 (Elle Magazine) và Giải thưởng các nhà văn trinh thám thế giới 2010 (ITW Award).

Câu chuyện bắt đầu khi Jason Jones - một phóng viên trở về nhà và phát hiện vợ mình mất tích. Sự lạnh lùng và bất hợp tác của người chồng khiến anh trở thành nghi phạm đầu tiên. Thế nhưng, khi sự biến mất của cô giáo Sandar Jones được thông báo rộng rãi, mọi việc trở nên phức tạp và khó lường. Ai là người khiến Sandar Jones mất tích?

Đó là người hàng xóm có tiền án quấy rối tình dục trẻ em Aidan Brewster?

Hay đó chính là người chồng đầu gối tay ấp bên cô hàng ngày?

Thêm vào đó, sự xuất hiện đột ngột của bố Sandar - thẩm phán Maxwel Black, cậu học sinh Ethan Hastings và người cậu là chuyên gia máy tính Wayne Reynolds có liên quan như thế nào đến sự mất tích của cô?

Sự thay đổi người kể chuyện và điểm nhìn thường xuyên khiến sự việc, tình tiết câu chuyện liên tục chuyển hướng. Vì thế, bạn đọc bị lôi cuốn vào một chuỗi sự kiện dồn dập và khó đoán trước. Với những tình tiết hấp dẫn, cuốn hút, đầy bất ngờ và logic, nữ văn sĩ Lisa Gardner đã khiến người đọc không thể ngừng đọc để tìm hiểu những bí mật xung quanh ngôi nhà tưởng chừng như hoàn hảo.

Một người vợ nghi ngờ chồng có những hoạt động mờ ám, tội phạm trên mạng.

Một người chồng với những bí mật trong quá khứ, luôn sẵn sàng kế hoạch để tẩu thoát.

Một thẩm phán đã giết vợ mình và giờ đây, tiếp cận cháu gái với ý đồ đen tối.

Một chuyên gia máy tính luôn kiếm cớ gặp riêng nạn nhân.

Một cậu học sinh giành tình cảm đặc biệt với cô giáo.

Một người hàng xóm bị ám ảnh bởi tình yêu với một cô gái mà cậu không nên yêu.

Những bí mật của họ sẽ dần sáng tỏ khi Sandar Jones đột ngột trở về…

Tiểu thuyết trinh thámVụ mất tích bí ẩnhấp dẫn và cuốn hút đến những trang sách cuối cùng. Bởi lúc đó, bạn mới biết được thực sự ai là người gây ra cái chết của người độc thân thứ nhất Aidan Brewster và ai là người đã cho nổ tung người độc thân thứ hai Wayne Reynolds. Kết thúc đầy bất ngờ nhưng hợp lý và có hậu khiến bạn đọc sẽ rất thích thú khi cầm trong tay cuốn sách.

Sách do Ajarbook và NXB Dân Trí liên kết ấn hành. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

TRÍCH DẪN ĐẶC SẮC
“Đầy những nút thắt sáng tạo, tiểu thuyết giải trí đỉnh cao này đem đến một cái kết gây sốc.” -Publisher Weekly

“Bậc thầy kể chuyện Lisa Gardner thực sự đã vượt qua chính mình với những tình huống mới nhất… Một tiểu thuyết ngay lập tức khuấy động tâm trí người đọc cùng một chút rùng mình. Gardner là một thiên tài đích thực.” -Romantic Times Book Reviews

“Cuốn sách mới nhất của Gardner là một tác phẩm hàng đầu cực kì cuốn hút với nhịp điệu dồn dập. Những người yêu thích truyện giật gân cảm xúc mạnh hãy đảm bảo đã khóa chặt cửa trước khi đọc. Hay tốt hơn, đem sách ra bãi biển và bắt đầu đọc trước lúc hoàng hôn.” -Bookpage

Để lại cảm xúc của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Options

not work with dark mode
Reset